Gió đổi chiều với ngành dệt may

Các tín hiệu tích cực

Bất ổn kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ, đồng thời hiện tượng đóng vị thế “carry trade” (nhà đầu tư vay tiền từ nước có lãi suất thấp để đầu tư vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn) tại Nhật Bản gần đây đã đẩy thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vào giai đoạn biến động mạnh. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dệt may trên thị trường chứng khoán Việt Nam bật tăng, trở thành điểm đến của dòng tiền.

Thống kê từ ngày 5/8 đến 14/8/2024, chỉ số VN-Index hồi phục 3,6%, nhưng cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tăng 12,9%, lên 27.100 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng tăng 11,9%, lên 48.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng 4,1%, lên 47.300 đồng/cổ phiếu…

Đà tăng của nhóm cổ phiếu dệt may được hỗ trợ bởi nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nhập khẩu lớn trên thế giới từ Bangladesh sang các quốc gia có năng lực sản xuất như Việt Nam, do bất ổn chính trị dẫn tới việc không ít nhà máy dệt may phải đóng cửa ở Bangladesh.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy dấu hiệu hồi phục của nhóm doanh nghiệp dệt may so với nền thấp trong năm 2023.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, TNG ghi nhận doanh thu 3.526,87 tỷ đồng, tăng 5,8%; lợi nhuận 129,2 tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2023; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 13% lên 15,9%.

Không chỉ doanh thu tăng, đơn hàng phục hồi, mà nhiều doanh nghiệp dệt may ghi nhận biên lợi nhuận gộp được cải thiện.

TNG cho biết, kết quả kinh doanh khả quan là nhờ Công ty tập trung khai thác các dòng hàng phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có các thị trường mới.

Tại MSH, nửa đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu 2.104 tỷ đồng, giảm 3%, nhưng lợi nhuận sau thuế lên 139,4 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

MSH cho hay, Nhà máy Xuân Trường với quy mô 50 dây chuyền may dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2024, đầu năm 2025, đón đầu chu kỳ phục hồi của ngành. Ngoài ra, với việc đơn hàng hồi phục tích cực, Nhà máy Sông Hồng 10 đã bắt đầu hoạt động một nửa công suất so với công suất thiết kế và dự kiến chạy đủ 100% công suất vào cuối năm nay, với nhiều đơn hàng có giá trị cao.

Với TCM, 6 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 11,9%, lên 1.780,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 135,5%, lên 134,9 tỷ đồng, hoàn thành 83,7% kế hoạch lãi 161,2 tỷ đồng cả năm; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,5% lên 17,4%.

Tính tới cuối tháng 7/2024, TCM đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III và khoảng 82% kế hoạch quý IV/2024, ước tính cả năm 2024 nhận khoảng 87% kế hoạch đơn hàng.

Kỳ vọng đón làn sóng đơn hàng mới

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc), ngành dệt may quốc gia này có lợi thế nhờ có lực lượng lao động lớn, với mức lương thấp. Năm 2023, Bangladesh công bố đã xuất khẩu 40 tỷ USD hàng dệt may và 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 21,7 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 đạt 33,33 tỷ USD và 7 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 19,8 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Dệt may là một trong 5 ngành xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, sau điện tử, máy móc, điện thoại và linh kiện phụ tùng.

Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, Bangladesh luôn là một trong các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu may mặc với Việt Nam. Do dệt may là ngành trọng điểm nên Bangladesh có nhiều chính sách hỗ trợ ngành này để có đầy đủ chuỗi cung ứng gồm các doanh nghiệp sợi, dệt may đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế suất theo các hiệp định thương mại. Với Việt Nam, ngành dệt may tập trung vào may mặc và chưa có đủ chuỗi nên vẫn chịu thuế cao khi xuất khẩu sang một số nước.

Bất ổn chính trị vừa qua ở Bangladesh dẫn đến không ít nhà máy dệt may ở nước này phải đóng cửa, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi trong ngắn hạn khi gần đến mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ như H&M, Zara phải kiếm nguồn hàng khác và Việt Nam là một trong các lựa chọn hàng đầu. Do kinh tế thế giới đang trong giai đoạn suy yếu nên hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn còn công suất để thực hiện các đơn hàng.

“Tuy vậy, theo một số đại diện ngành may mặc Việt Nam thì các đơn hàng cho Bangladesh thường có biên lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp sẽ chọn lọc trong việc nhận các đơn hàng và vì biên lợi nhuận thấp nên chưa chắc việc chuyển dịch này tác động trọng yếu đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Trung nói.

“ACBS cho rằng, Bangladesh vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi ngành may mặc toàn cầu. Để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam thì các doanh nghiệp cần hướng tới hoàn thành chuỗi hoàn chỉnh từ vải trở đi - vải được dệt hoàn thiện và cắt may ở Việt Nam, hướng tới tiêu chuẩn xanh”, ông Trung chia sẻ.

Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho hay, do không ít nhà máy dệt may tại Bangladesh phải đóng cửa nên nhiều khách hàng đã cân nhắc chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn hàng CMT (theo yêu cầu khách hàng từ cắt vải từ cuộn vải theo rập thiết kế sẵn của khách hàng đến đóng gói thành phẩm) ở mức cao có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn