Giới hạn góp vốn mua cổ phần vào một doanh nghiệp của BIDV vượt 11%

Tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có khối ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

BIDV - Giới hạn góp vốn mua cổ phần vào một doanh nghiệp vượt 11%

Theo Chính phủ, đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (tổng nguồn vốn) của khối NHTM mhà nước đạt 8.218.023 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2022.

Số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước đạt 173.201 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cuối năm 2022. Tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác đạt 1.111.458 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay của 4 ngân hàng đạt 5.938.588 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2022. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu so với tổng dư nợ năm 2023 là 86.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so cuối năm 2022.

Trong đó, tại BIDV, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh và đầu tư tài chính năm 2022 là 8.132,87 tỷ đồng, chiếm 15,1% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giữ nguyên so với năm 2021. Tổng cổ tức nhận được từ các công ty con năm 2022 (cổ tức năm 2021) là 158,034 tỷ đồng; cổ tức nhận được từ công ty liên kết năm 2022 là 110,79 tỷ đồng; cổ tức từ các khoản đầu tư tài chính là 35,174 tỷ đồng.

BIDV hiện có 3 dự án đầu tư tại nước ngoài gồm: (1) Ngân hàng liên doanh Lào-Việt (LVB) tại Lào (BIDV góp vốn bằng tiền mặt với tổng giá trị tương đương 63.666,428 nghìn USD); (2) BIDV - Chi nhánh Yangon tại Myanmar (BIDV đã thực hiện góp vốn bằng tiền mặt với tổng giá trị là 85 triệu USD) và (3) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia (BIDV đã thực hiện góp vốn bằng tiền mặt với tổng giá trị là 99.096,489 nghìn USD). Giới hạn các chỉ tiêu an toàn của BIDV đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tuy nhiên, ngân hàng còn duy nhất chỉ tiêu “giới hạn góp vốn mua cổ phần vào 01 doanh nghiệp” vượt 11%.

Đối với việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, đến cuối năm 2023, các ngân hàng thương mại nhà nước đã nộp vào ngân sách nhà nước 37.238 tỷ đồng. Trong đó, BIDV đóng góp vào ngân sách 6.448 tỷ đồng, thấp nhất trong số 4 "ông lớn" ngân hàng; 3 ngân hàng còn lại gồm Agribank  đóng góp 12.282 tỷ đồng; VCB  đóng góp 11.648 tỷ đồng và Vietinbank  đóng góp 6.860 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Dù vậy, các khoản nợ phải thu (ngoài các khoản phải thu từ hoạt động tín dụng) của BIDV lại đứng thứ 2 sau Vietinbank (chiếm 41.454 tỷ đồng) trong số này khi chiếm 25.922 tỷ đồng trong tổng số 87.793 tỷ đồng của cả 4 ngân hàng.  Trong khi đó, số nợ phải thu của VCB chỉ 11.790 tỷ đồng và Agribank  là 8.293 tỷ đồng.

Ngược lại, các khoản nợ phải trả (không bao gồm lãi, phí phải trả) của BIDV lại lớn nhất khi chiếm xấp xỉ 50% (53.561 tỷ đồng) tổng các khoản nợ phải trả của cả 4 ngân hàng lớn (107.453 tỷ đồng).

BIDV báo lãi 6 tháng đạt 12.450 tỷ đồng, nợ xấu tăng mạnh 28%

Về kết quả hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2024 của BIDV,  theo công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 12.450 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.

Đóng góp vào lợi nhuận này, là thu nhập lãi thuần, từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối, từ các hoạt động khác….

Trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 28.379 tỷ đồng, tăng 3,26% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 12,6% về mức 67.493 tỷ đồng, còn chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự giảm sâu hơn, đến 21,3%, còn hơn 49.677 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thu nhập lãi giảm 12,6% trong khi dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý 2 đạt 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Tổng chi phí lãi trong quý giảm 21,3%, trong khi tổng tiền gửi khách hàng đến cuối quý 2 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó tiền gửi có kỳ hạn chiếm khoảng 81% tổng huy động khách hàng.

Tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đến cuối quý 2 đạt hơn 1,88 triệu tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn – tăng đột biến 17% lên mức 15.292 tỷ đồng; nợ nhóm 4, nợ nghi ngờ, cũng tăng đến 13,7%, lên mức 6.281 tỷ đồng.

Tuy vậy, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất, đến 86%, lên mức 7.113 tỷ đồng. Tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 đạt 28.686 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,25% đầu năm, lên mức 1,52%.

Nửa đầu năm 2024, nợ xấu tại BIDV tăng mạnh.

Phân tích theo thời gian, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1,23 triệu tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Kết quả, BIDV báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh (trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng) đạt 25.295 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 9.746 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế 12.450 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Trong đó riêng quý 2/2024, lợi nhuận sau thuế đạt 6.534 tỷ đồng, tăng trưởng 17,7%.

Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng ghi nhận các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước của BIDV tăng mạnh từ gần 35.900 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 131.128 tỷ đồng, tương ứng gấp 3,6 lần thời điểm đầu năm.

Trong đó chủ yếu do tăng khoản nợ từ tiền gửi có kỳ hạn của kho bạc nhà nước (tăng hơn 100.000 tỷ đồng). Còn các khoản vay Ngân hàng Nhà nước giảm được hơn 900 tỷ đồng, còn 3.890 tỷ đồng.

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn