Ngày 16/10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, diễn ra tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu” nhằm góp phần hoàn thiện chính sách về kinh doanh xăng dầu và an ninh năng lượng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh và quốc phòng của đất nước.
Quang cảnh cuộc toạ đàm. |
Tại toạ đàm, ông Phan Đức Hiếu – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết cũng đã đưa ra các giải pháp với những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững.
Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là một trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia, luôn được chỉ đạo sát của Bộ Chính trị, Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, minh bạch và sở hữu hình thức đa dạng hóa. |
Trong đó, năng lượng yếu tố chiến lược được đề cập trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu kích thích sự tham gia của các thành viên kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, đồng thời loại bỏ những biểu hiện bao cấp và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành năng lượng.
Liên quan đến điều hành hoạt động xăng dầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP và nhiều chỉ đạo quan trọng khác, nhằm tạo môi trường pháp lý căn bản đối với sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường xăng dầu Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, nhận diện những “nút thắt” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giải pháp để hoạt động kinh doanh xăng dầu phát huy hiệu quả.
Các đại biểu cho rằng, những biến động quốc tế và xung đột địa chính trị đã gây ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ trong những tháng cuối năm 2022, tại một số tỉnh và thành phố trong cả nước.
Mặc dù, tình trạng này cũng chỉ xảy ra cục bộ trong thời gian ngắn, nhưng hiện tượng này cũng đã phản ánh thực tế thị trường xăng dầu vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó có những "nút thắt" đặt ra yêu cầu bức thiết cần tháo gỡ, nhất là sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn.
Gỡ "nút thắt" trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Hải Anh |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam đề cập đến tình trạng doanh nghiệp gặp rủi ro khi giá xăng dầu thị trường thế giới xuống thấp, thì doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ chịu lỗ giá vốn khi giá bán trong nước điều chỉnh giảm... Do đó, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ bị bóp lại, khiến cho doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn khi chiết khấu không đủ chi phí.
Đồng thuận với ý kiến nêu trên, ông Hoàng Trung Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ APP Thanh Hoá nêu lên khó khăn, "nút thắt" lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu gặp phải là chiếu khấu thấp, khi giá xăng điều chỉnh giảm, khiến cho đại lý bán lẻ không đủ chi phí hoạt động. Thời gian qua đã có nhiều đại lý đã đóng cửa bỏ kinh doanh.
"Nhà nước có thể quy định mức chiết khấu từ 1.500 đồng- 2.500 đồng/lít sẽ đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sẽ không xảy ra đứt gãy cung ứng xăng dầu đã xảy ra như trong năm 2022" - ông Trung Dũng đề xuất./.
Tại tọa đàm, về giải pháp điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, các đại biểu đề nghị, cần xây dựng cơ chế theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, hài hòa lợi ích của các bên, đó là nhà nước, người dân, doanh nghiệp. |