Gỡ nút thắt về vốn khởi nghiệp

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2018/NĐ-CP (Nghị định 38) - quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Gỡ vướng chính sách

Nghị định 38 ban hành đã 6 năm nhưng đến nay, cả nước chỉ mới có 33 quỹ với tổng số vốn góp 413 tỉ đồng (hơn 16 triệu USD), chiếm dưới 5% thị phần đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 38, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy một số quy định còn bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng cũng như kỳ vọng của cộng đồng quỹ đầu tư, DN khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, đáng chú ý là quy định "Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp khác".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình tổng hợp góp ý, các quỹ đầu tư cho rằng việc quy định hạn chế tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn làm giảm sự hấp dẫn của quỹ, gây khó khăn trong huy động vốn, đồng thời làm giảm tính thanh khoản của các khoản đầu tư vào quỹ. Do đó, các quỹ đầu tư đề xuất nâng tổng số nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ lên trên 30, có thể xem xét quy định tối đa lên tới 99, nhằm tiệm cận quy định về số lượng nhà đầu tư tối đa với quỹ đầu tư thành viên hoạt động theo Luật Chứng khoán.

Đồng tình với đề xuất này và trên cơ sở đánh giá quy mô thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi Điều 5 Nghị định 38. Ngoài ra, đề xuất bổ sung 3 lĩnh vực hoạt động của quỹ đầu tư, gồm: đầu tư chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; đầu tư công cụ đầu tư có thể chuyển đổi; quyền mua cổ phần tại DN khởi nghiệp sáng tạo.

Mở rộng kênh tiếp cận vốn

Theo báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (GESER 2023) của Startup Genome, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, với tác động kinh tế ước tính lên tới 5,22 tỉ USD. Số lượng start-up ở Việt Nam cũng tăng mạnh, từ khoảng 1.600 vào thời điểm đại dịch COVID-19 lên hơn 3.800 hiện nay, trong đó start-ups về trí tuệ nhân tạo (AI) chiếm gần 10% tổng số lượng.

Hoạt động đầu tư vào DN khởi nghiệp của các quỹ đầu tư rất triển vọng. Tuy nhiên, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, nhận định nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho các DN khởi nghiệp, vì nhiều lý do.

"Ở nước ngoài, những chính sách thúc đẩy khởi nghiệp dạng hỗ trợ 5 đồng nhưng có thể đem lại giá trị 50-100 đồng cho nền kinh tế sẵn sàng giải ngân nếu được đánh giá khả thi. Tại Việt Nam, có thể do nguồn lực tài chính hạn chế, e ngại rủi ro nên việc tài trợ vốn cho DN khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư chưa hiệu quả như kỳ vọng. Trong khi đó, nếu được triển khai bài bản, các quỹ đầu tư mạo hiểm không chỉ thúc đẩy DN khởi nghiệp phát triển nhờ được tiếp sức về nguồn vốn, tài chính mà còn góp phần thu hút, giữ chân nhân tài" - TS Trần Quang Thắng nhìn nhận.

Nhiều quỹ đầu tư đang tập trung rót vốn vào các start-up công nghệ. Ảnh: THANH NHÂN

Nhiều quỹ đầu tư đang tập trung rót vốn vào các start-up công nghệ. Ảnh: THANH NHÂN

Ở góc độ quỹ đầu tư, Giám đốc VinaCapital Ventures Hoàng Đức Trung cho rằng về tầm nhìn dài hạn, với các yếu tố cơ bản/chủ chốt vững chắc và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cả trong lẫn ngoài nước.

"Các nguồn vốn không đến từ quỹ đầu tư, hỗ trợ tài chính cho DN khởi nghiệp. Những năm gần đây, sự hỗ trợ vốn, tài chính từ các nguồn mới đã xuất hiện, như: từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước; từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; từ các trường đại học, tổ chức ươm tạo và từ các tổ chức quốc tế" - ông Hoàng Đức Trung dẫn chứng.

Mới đây, Vingroup đã công bố ra mắt Quỹ Đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản 150 triệu USD. Quỹ này chú trọng đầu tư vào các start-up công nghệ có tính đột phá cao, trọng điểm là AI, chất bán dẫn, điện toán đám mây, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao...

"Với mạng lưới và nguồn lực của một tập đoàn hàng đầu Việt Nam và khu vực, chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các start-up kết nối với những đối tác lớn trên thị trường và là "bệ phóng" cho các DN khởi nghiệp tiềm năng trong tương lai" - bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Điều hành Quỹ VinVentures, nhấn mạnh. 

Theo ông Hoàng Đức Trung, để thúc đẩy thị trường vốn cho DN khởi nghiệp, cần có sự tham gia của nhiều thành phần/cấu thành.

Cụ thể, cần đầu tư và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc, trong đó các công ty khởi nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau và nhận được sự hỗ trợ có lợi về mặt tài chính. Cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá tiềm năng của thị trường Việt Nam để thu hút vốn FDI; tăng cường sự hỗ trợ từ Chính phủ về các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp (giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính…).

"Cần tạo thêm hoặc đơn giản hóa các kênh thoái vốn cho lĩnh vực khởi nghiệp, như sàn chứng khoán dành riêng cho công ty công nghệ khởi nghiệp; đơn giản hóa thủ tục huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài…" - Giám đốc VinaCapital Ventures đề xuất.


Xem thêm tại cafef.vn