Gỡ rào cản cho dự án ‘cú đấm thép’ 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG)

Theo Báo Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hoàng Giang vừa giao Sở Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ các cơ quan liên quan để tham mưu UBND tỉnh và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Bình Sơn và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm. Đáng chú ý là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Khu kinh tế Dung Quất, do CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên của Tập đoàn Hòa Phát, HoSE: HPG) làm chủ đầu tư.

Gỡ rào cản cho dự án ‘cú đấm thép’ 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG)
UBND tỉnh Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ gỡ khó cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2

Trước đó, vào cuối tháng 11/2024, trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất đã kiến nghị giải quyết một số vấn đề liên quan đến dự án trạm biến áp 220kV và đường dây 220kV Dung Quất - Dung Quất 2. Mục tiêu của dự án là cung cấp điện cho Khu liên hợp 2, giảm tải cho các máy biến áp khác và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, do quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp phía Đông Dung Quất và quy hoạch sử dụng đất của huyện Bình Sơn chưa được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án bị chậm lại.

Ngoài ra, công ty thành viên của Hòa Phát cũng đã đề xuất bổ sung nguồn nước từ kênh chính Bắc Thạch Nham cho Khu liên hợp 2. Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sử dụng nguồn nước từ kênh B7 thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham, nhưng hiện nay dự án cải tạo, nâng cấp kênh chính Bắc và kênh B7 vẫn chưa được triển khai. Điều này khiến việc cấp nguồn nước cho Khu liên hợp 2 trong thời gian tới gặp khó khăn. Công ty đề nghị tỉnh thống nhất cấp nguồn nước bổ sung để đảm bảo cung cấp nước cho Khu liên hợp 2 khi đi vào vận hành.

Liên quan đến việc cấp bãi tập kết vật liệu dư thừa, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất đề nghị cấp khoảng 300ha để chứa 27 triệu m3 vật liệu dư thừa của các dự án. Trước mắt, công ty yêu cầu tỉnh giải quyết việc cấp bãi thải chứa 5,8 triệu m3 vật liệu dư thừa hiện đang tồn tại tại công trường và ngoài công trường Khu liên hợp 2.

Gỡ rào cản cho dự án ‘cú đấm thép’ 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG)
Nhà máy thép Dung Quất 2 dự kiến hoạt động với công suất tối đa vào năm 2028

Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành ổn định dự án Dung Quất 1, tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục theo đuổi tham vọng dẫn đầu trong ngành công nghiệp luyện kim với "cú đấm thép" Dung Quất 2. Dự án có quy mô lên đến 280ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng với sản phẩm đầu ra chủ yếu là thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ cho ngành sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp dùng trong các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép… với công suất lên tới 5,6 triệu tấn thép/năm.

Mới đây nhất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 đã chính thức khai lò thổi 300 tấn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống sản xuất của dự án. Theo kế hoạch, lò cao số 1 sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2025 với công suất 50%, tương đương 1,4 triệu tấn thép. Đến năm 2026, lò cao số 2 sẽ đi vào hoạt động với 50% công suất, trong khi lò số 1 được nâng lên 80%. Nếu đúng tiến độ, đến năm 2028, toàn bộ hệ thống sẽ đạt công suất tối đa.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Bảo Việt nhận định khi đi vào hoạt động với công suất tối đa, Dung Quất 2 được ước tính sẽ mang về cho Hòa Phát thêm 70.000-80.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương 3,25 tỷ USD, đóng góp 25-30% vào biên lợi nhuận của Tập đoàn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn