Một trong những nội dung mới của Luật Chứng khoán sửa đổi là bổ sung nhóm các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) với mục tiêu nâng hạng TTCK. Cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên TTCK Việt Nam.

Cần có cơ chế quản trị rủi ro khi triển khai CCP

Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung các quy định để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường là rất cần thiết, theo chủ trương đã được Nhà nước quan tâm và triển khai từ nhiều năm nay.

Trong đó, đại biểu nhấn mạnh để thực hiện CCP cần có 2 nội dung.

Một là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu.

Hai là xây dựng các cơ chế, đặc biệt là cơ chế quản lý rủi ro và quản trị rủi ro. Cụ thể, quy định hiện nay là yêu cầu có tiền ký quỹ đặt trước khi giao dịch, để khi đặt lệnh giao dịch thành công thì sẽ có tiền để đảm bảo thanh toán được hoàn thành và không có rủi ro.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn chung của quốc tế khi nâng hạng là yêu cầu DVP (delivery versus payment), nghĩa là khi giao hàng phải giao tiền, đồng thời để tránh việc nộp tiền chậm trễ. "CCP có thể giải quyết được vấn đề đó, về bản chất đó là bên mua của nhiều bên bán và bên bán của nhiều bên mua" - đại biểu Nguyễn Hải Nam phân tích.

Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế)

Với cơ chế này, đại biểu lưu ý cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tính toán, cân nhắc về rủi ro thanh toán, nhất là ở những thời điểm xảy ra sự kiện đặc biệt khiến thị trường giảm mạnh, hay giảm kéo dài như cuộc khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1997, khủng hoảng do đại dịch năm 2020… Khi đó, các nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch thì nghĩa vụ thanh toán thuộc về CCP. Khối lượng tiền là khá lớn và có thể họ không hoàn thành thực hiện giao dịch.

Một vấn đề nữa là hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm phải phù hợp chung với thiết kế hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam. Tại Luật Chứng khoán 2023, Điều 111 đã quy định, khi thực hiện các nghiệp vụ về bảo lãnh phát hành chứng khoán hay môi giới chứng khoán, phân phối chứng chỉ quỹ thì hệ thống ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại những công ty con hoặc công ty liên kết để thực hiện chức năng này, đại biểu dẫn quy định cho hay.

Để bảo đảm nội dung này được thực thi thuận lợi, đáp ứng thông lệ chung và yêu cầu nâng hạng nhưng vẫn đảm bảo đảm chặt chẽ, tránh rủi ro phát sinh, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ, sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế vận hành phù hợp trong quá trình các ngân hàng này tham gia trên hệ thống đối tác bù trừ trung tâm.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP. HCM), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn nội dung quy định của luật hiện hành theo hướng cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm với vai trò bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở là cần thiết.

Quy định này, theo đại biểu, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm phù hợp với thông lệ quốc tế. “Với mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra về việc nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025, việc cho phép các ngân hàng được làm thành viên bù trừ của cơ chế đối tác bù trừ trung tâm theo thông lệ quốc tế là cấp thiết để tổ chức xếp hạng xem xét, đánh giá trong kỳ xếp hạng gần nhất vào đầu năm sau” - đại biểu phát biểu.

Kiểm toán vốn điều lệ để tránh những vụ "phù phép" như Faros

Tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chính phủ đề xuất hồ sơ chào bán ra công chúng thì cần phải có báo cáo vốn điều lệ đã góp trong thời gian 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.

Nhiều ý kiến của Ủy ban Kinh tế không đồng tình nội dung này với lý do phát sinh thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, có thể gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp, nhất là trường hợp doanh nghiệp có lịch sử hình thành lâu dài.

Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu)

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp.

Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo. Điển hình cho nội dung này là công ty FAROS của FLC từ vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng sau 5 lần tăng vốn điều lệ trong 3 năm 2014-2016 đã tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng. “Hệ lụy rất lớn cho cả thị trường” - đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.

Một ví dụ khác được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu là trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí cũng qua nhiều lần phù phép tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Cách “phù phép” của họ là bơm một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng số vốn điều lệ.

Do đó, theo đại biểu, quy định trên là một yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch, trong sạch. Nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì sẽ không xảy ra trường hợp như FAROS và một số trường hợp khác. “Tôi thấy đề xuất của Chính phủ hoàn toàn phù hợp để tạo ra một môi trường cho hoạt động TTCK minh bạch” - đại biểu nêu rõ.

Để tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu là để phát triển TTCK công bằng, minh bạch, hiệu quả, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn gợi ý, thời gian kiểm toán góp vốn điều lệ có thể rút ngắn lại so với đề xuất của Chính phủ là còn 5 năm.

Cần có phòng thông tin tín dụng ở các công ty chứng khoán

Đồng tình việc sửa Luật là cần thiết để phát triển TTCK an toàn, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội), Chủ tịch HĐTV Agribank dẫn số liệu thống kê gần nhất cho hay thị trường chứng khoán cho vay cầm cố đã lên đến 230.000 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi có những biện pháp quản lý mới, đặc biệt cần có phòng thông tin tín dụng tương tự như hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo đại biểu, hiện nay các khách hàng tham gia vay ký quỹ ở rất nhiều tổ chức chứng khoán khác nhau và 1 chứng khoán có thể được cầm cố tại rất nhiều tổ chức chứng khoán khác nhau. Như vậy, có thể trong trường hợp cần phải xử lý chứng khoán đó dẫn đến rủi ro. Vì vậy, các công ty chứng khoán cần có những thông tin liên quan tương tự như thông tin tín dụng.

Điều này nên giao quyền cho Bộ Tài chính có thể thiết lập bộ phận này để đảm bảo tính minh bạch và các công ty chứng khoán có thể dựa trên đó để nắm được thông tin, quản lý rủi ro của mình, đại biểu đề xuất.