Gỡ vướng "Pre-funding": Đề xuất thêm một ngày thương thảo nếu nhà đầu tư ngoại chưa thanh toán
Gỡ nút thắt pre - funding là một trong những nội dung trọng tâm tại Hội thảo khoa học Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam |
Đề xuất thêm một ngày thương thảo
Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch không ký quỹ 100% tiền. Các công ty chứng khoán đánh giá năng lực khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận... Nếu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh.
Đây là các nội dung đang được đề xuất trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán (Thông tư 120/2020/TT-BTC).
Thậm chí, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ Chứng khoán SSI đề nghị thêm rằng, cơ quan quản lý nên xem xét có thêm một ngày để nhà đầu tư nước ngoài đề xuất thương thảo đối với trường hợp giao dịch không thanh toán thành công. Ông Hải nhắc đến đề nghị này tại Hội thảo khoa học Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tổ chức ngày 16/4.
Theo đó, không nhất thiết chứng khoán về vào ngày T+2 ngay lập tức phải bán đi. Trường hợp không đàm phán được, mới thực hiện bán bắt buộc.
Ở thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Trong đó, một nội dung quan trọng tại Dự thảo là việc giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Kế đó, hướng dẫn thanh toán của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSDC) là điều các thành viên thị trường đang chờ đợi.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, theo quy trình dự thảo hiện nay, tại ngày T+1, trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không đủ tiền, giao dịch mua sẽ chuyển sang tài khoản tự doanh của CTCK. Tiếp đó, tại ngày T+2, VSDC hoàn tất thanh toán và ghi có trên tài khoản nhà đầu tư nếu nhà đầu tư đã nộp đủ tiền với thời gian thực hiện thanh toán từ 11h00 – 11h30 ngày T+2. Còn nếu nhà đầu tư không nộp đủ tiền trong ngày T+2, VSDC hoàn tất thanh toán, ghi có vào tài khoản tự doanh CTCK.
Quy trình thanh toán không yêu cầu ký quỹ trước GDCK - Nguồn: VSDC |
Cuộc hội thảo cũng ghi nhận hàng loạt ý kiến, đề xuất xung quanh việc gỡ vướng yêu cầu ký quỹ trước - một trong hai nút thắt mà các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cũng như tiến đến mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi năm 2025.
Liên quan đến thời điểm xác định nghĩa vụ thanh toán, tại Hội thảo, đại diện FTSE đề xuất thời điểm này nên cùng ngày thanh toán. Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ Chứng khoán SSI, các ý kiến từ các khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn "giao tiền nhận chứng khoán" cùng thời điểm và đề xuất chuyển thời điểm thông báo lỗi từ T+1 sang T+2.
Bài toán cân bằng giữa hiệu quả và an toàn
Thực tế, khi áp dụng cơ chế mới, không phải giao dịch nào cũng thất bại. Tuy nhiên, dù chỉ có ít khả năng, vẫn cần phải xây dựng quy trình chuẩn trong trường hợp xảy ra để có giải pháp và tránh rủi ro cho hệ thống thanh toán. Với câu chuyện gỡ vướng mắc tại nút thắt "pre-funding", đi bằng hai chân vừa nâng cao hiệu quả cho các nhà đầu tư nhưng vẫn cần đảm bảo không có rủi ro cũng là điều bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh.
Với đề xuất mới xác định nghĩa vụ thanh toán vào ngày T+2 thay vì ngày T+1, đại diện VSDC cho rằng sẽ cần đánh giá thêm trên cơ sở cân đối hiệu quả và an toàn. Cụ thể, theo ông Tuấn, thách thức ở đây nằm ở trường hợp nhà đầu tư không đủ tiền vào ngày thanh toán, sẽ cần thời gian để xử lý vấn đề kỹ thuật như chuyển nghĩa vụ thanh toán. Thêm đó, trong trường hợp công ty chứng khoán không thu xếp đủ nguồn tiền, điều này cũng sẽ ảnh hưởng an toàn trong hoạt động thanh toán.
"Tuy nhiên, các công ty chứng khoán nhỏ hơn có thể áp dụng tỷ lệ ký quỹ thấp hơn.Theo tôi, đây là điều đáng quan ngại bởi khi làm việc với tổ chức nước ngoài yêu cầu tính minh bạch, bình đẳng, nhất quán trên thị trường. Nếu một số công ty chứng khoán áo dụng tỷ lệ 10 - 20%, giải pháp sẽ không toàn diện", đại diện SSI cũng nhấn mạnh.
Nguyên tắc thực hiện sẽ dựa trên việc công ty chứng khoán đánh giá năng lực, xác định mức ký quỹ để đảm bảo có thể hoàn tất thanh toán vào ngày thanh toán. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không đủ điều kiện nộp, nghĩa vụ thanh toán sẽ chuyển về tài khoản của khối tự doanh công ty chứng khoán. Chứng khoán sau khi về tài khoản sẽ được công ty chứng khoán xử lý để thu hồi số tiền đã bỏ ra. Đây cũng là lý do, theo phương án hiện tại, công ty chứng khoán cần bán ngay sau khi chứng khoán về tài khoản tự doanh để thu hồi tiền bỏ ra.
Cùng đó, việc đặt hạn mức giao dịch cho thành viên thị trường cũng đang được xem xét. “Tại cuộc họp nội bộ, Chủ tịch UBCKNN đã chỉ đạo sát sao nội dung này. VSDC sẽ xem xét để đảm bảo cân bằng giữa các yếu tố. Để kiểm soát rủi ro, chúng tôi đang xem xét đặt hạn mức giao dịch cho các thành viên thị trường”, đại diện VSDC cho hay.
Theo đó, với quy mô giao dịch thực hiện cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty chứng khoán cần đảm bảo năng lực thanh toán của công ty chứng khoán phải đủ để thanh toán nhay, trong trường hợp giao dịch không thành công xảy ra. Theo ông Tuấn, đây là mấu chốt để quản lý rủi ro khi triển khai cơ chế giao dịch mới này.
Tại Hội thảo khoa học Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tổ chức ngày 16/4, giải thích về việc lựa chọn đối tượng áp dụng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chỉ chiếm 10% nhưng giá trị giao dịch mua/bán của nhóm này luôn chiếm tỷ trọng lớn tổng giá trị giao dịch của toàn bộ nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, nhóm trên có tính tuân thủ cao và cũng chưa từng phát sinh trường mất khả năng thanh toán do chưa thu xếp được nguồn tiền nên sẽ được ưu tiên tháo gỡ trước.
Xem thêm tại baodautu.vn