Góc nhìn 12/01: Áp lực chốt lời đang gia tăng?
Áp lực chốt lời gia tăng
CTCK Beta (Beta): Beta cho rằng theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index phiên 11/01 duy trì nằm trên các đường trung bình quan trọng hàm ý xu hướng ngắn hạn và trung hạn vẫn đang ở trạng thái tích cực. Các chỉ báo kỹ thuật như SAR, MACD và (DI+, DI-) duy trì tín hiệu tích cực củng cố cho xu hướng hiện tại của VN-Index. Nhiều khả năng, VN-Index đang trong quá trình hướng về vùng kháng cự 1,180-1,200 điểm với sự luân chuyển dòng tiền qua các nhóm ngành, trong khi đó, vùng 1,140-1,150 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index.
Ngày 12/01 là ngày giao dịch cuối tuần, áp lực bán chốt lời có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt khi chỉ báo RSI vẫn đang nằm trong vùng “quá mua” và MACD Histogram vẫn tiếp tục giảm giá trị dẫn đến khả năng rung lắc/điều chỉnh duy trì ở mức cao, có thể VN-Index cần thời gian tích lũy trước khi bứt phá lên mốc cao hơn nhờ sự ủng hộ và lan tỏa của dòng tiền. Do xu hướng trung hạn vẫn đang duy trì tích cực, cùng với bối cảnh vĩ mô và triển vọng nhiều ngành nghề được kỳ vọng cải thiện khả quan sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Nhà đầu tư thể hiện sự lưỡng lự
CTCK Vietcombank (VCBS): VCBS về góc nhìn kỹ thuật nhận định VN-Index tăng điểm nhẹ nhưng cho thấy rõ sự chững lại và kết phiên hình thành nến Doji thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Xét về khung đồ thị 1H, 2 chỉ báo RSI và MACD đều đang hướng xuống nhưng VN Index vẫn duy trì tốt về mặt điểm số cho thấy thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh, tích lũy trong biên độ hẹp trước khi quay trở lại xu hướng đi lên. Ở khung đồ thị ngày, RSI đang bẻ ngang ở vùng cao và đường MACD Histogram tạo phân kỳ âm cũng củng cố thêm cho nhận định trên.
Rủi ro đảo chiều gia tăng nếu nhóm ngân hàng điều chỉnh
CTCK KB Việt Nam (KBSV): KBSV đánh giá việc chỉ số hình thành mẫu nến doji biên độ rộng phần nào cho thấy trạng thái giao dịch giằng co quyết liệt giữa 2 bên. Tuy vậy, diễn biến thị trường trong những phiên gần đây đang dần thể hiện rõ xu hướng phân phối khi phe bán dần áp đảo trở lại sau những nhịp tăng điểm tích cực đầu phiên. Mặc dù cơ hội tiếp tục đi lên vẫn được để ngỏ với vùng kháng cự kế tiếp đặt tại 1,185 (+-10) nhưng áp lực rung lắc sẽ tiếp tục ở mức cao trong những phiên sắp tới và rủi ro đảo chiều có thể gia tăng trong trường hợp nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh.
Tích lũy trung hạn kéo dài
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): SHS nhận định xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn đang duy trì ở mức tích cực nhưng có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, CTCK này kỳ vọng sau nhịp rung lắc này VN-Index sẽ tiếp tục tiến vào khu vực kỳ vọng tích lũy trung hạn trong biên độ 1,150-1,250 điểm và thời gian tích lũy trung hạn trong khu vực này dự báo sẽ kéo dài.
Tiếp tục quan sát
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc cho rằng thị trường sẽ cần tích lũy thêm trong một vài phiên giao dịch sắp tới trước khi quay lại xu hướng tăng. Do đó, CTCK này khuyến nghị nhà đầu tư hành động thận trọng, tiếp tục quan sát thị trường, hạn chế mua đuổi và tận dụng các nhịp rung lắc để cơ cấu lại danh mục.
Rung lắc
CTCK BIDV (BSC): Hiện tại, VN-Index tiếp tục củng cố trên ngưỡng 1,160 điểm tuy nhiên dấu hiệu suy yếu về thanh khoản cùng với áp lực chốt lời có thể khiến VN-Index sẽ có những phiên rung lắc tại đây.
Điều chỉnh
CTCK Rồng Việt (VDSC): Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực cản từ nguồn cung và khả năng điều chỉnh vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu, hiện tại nên hạn chế mua giá cao và nên chờ mua tại vùng giá hỗ trợ. Trong ngắn hạn vẫn nên tận dụng các nhịp tăng của thị trường để chốt lời đối với các cổ phiếu dã tăng đến vùng kháng cự.
Xu hướng phục hồi
CTCK Phú Hưng (PHS): Thị trường đang nằm trong xu hướng phục hồi sau phiên tăng 11/01. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, dự báo lợi nhuận quý 4 tăng trưởng khả quan.
Dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh do ảnh hưởng từ nhịp điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đồng thời, dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra mà chủ yếu dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang đối mặt với vùng kháng cự mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng cho nên dòng tiền có thể dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa như bất động sản, dầu khí, sản xuất thực phẩm, vận tải, chứng khoán,… Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn đi ngang cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thi trường hiện tại và có động thái cơ cấu lại danh mục.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và có thể cơ cấu lại danh mục để tối ưu danh mục ngắn hạn.
Cơ hội bứt phá không được đánh giá cao
CTCK Agribank (Agriseco Research): Trên đồ thị phân tích kỹ thuật, áp lực chốt lời đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn một lần nữa gia tăng quanh ngưỡng cản gần 1,17x khiến cho đà tăng điểm của chỉ số thu hẹp dần về cuối phiên 11/01. Dòng tiền dịch chuyển sang các cổ phiếu thuộc nhóm mid cap và penny khiến cho cơ hội tiếp tục bứt phá của VN-Index không được đánh giá cao và rủi ro bước vào một nhịp điều chỉnh cần được tính đến.
Agriseco Research khuyến nghị các nhà đầu tư hạ dần tỷ trọng các vị thế trading đã mở trong các nhịp hồi phục, chỉ mở mua trở lại quanh vùng hỗ trợ gần 1,130 điểm nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Xu hướng tăng ngắn hạn bị suy giảm
CTCK Shinhan Việt Nam (SSV): Thị trường đóng cửa11/01 với mẫu hình nến Doji cho thấy sự giằng co. Kết hợp với những phiên giao dịch gần đây cho thấy VN-Index đang giao dịch trong biên độ hẹp sau khi vượt khỏi vùng kháng cự 1,155 điểm và sức mạnh của xu hướng tăng ngắn hạn đã bị suy giảm. Bên cạnh đó chỉ số RSI hiện tại đang nằm ở khu vực quá mua, thể hiện rủi ro đảo chiều gia tăng.
Xem thêm tại vietstock.vn