Góc nhìn chuyên gia: Áp lực bán của khối ngoại sẽ dần "hạ nhiệt", nhà đầu tư "săn" cơ hội chọn đúng cổ phiếu trong nửa cuối năm

Chỉ số VN-Index tiếp tục giảm gần 23 điểm tương đương 1,8% xuống mức 1.242,1 trong tuần giao dịch 22-26/7. 

Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm mạnh trong 2 phiên đầu tuần sau đó hồi phục kỹ thuật trong các phiên cuối tuần với thanh khoản sụt giảm. Tuần này, BCM (+6,9%), MSN (+4,2%) và VIC (2,1%) là các mã chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, HVN (-20,1%), BID (-3%) và CTG (-4%) là các nhân tố gây áp lực lên chỉ số.

Thanh khoản giảm 17% so với tuần trước. Khối ngoại bất ngờ trở lại mua ròng song chủ yếu là mua thoả thuận, ngược lại vẫn tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ khớp lệnh.

Nhận định về xu hướng thị trường trong tuần mới, các chuyên gia có quan điểm thận trọng trong bối cảnh chỉ số chính giảm mạnh và thanh khoản sụt giảm trong nhịp điều chỉnh của VN-Index. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thị trường vẫn có nhiều cơ hội và câu chuyện là chọn đúng mã cổ phiếu cho thời gian 6 tháng sắp tới.

VNINDEX_2024-07-28_15-57-01.png

Bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng

Theo quan điểm của ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT, chỉ số VN-INDEX có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn và phục hồi sau khi về vùng thấp nhất là 1.218 điểm trong tuần giao dịch vừa qua. Điểm đáng lưu ý là lực bán đã suy yếu đáng kể còn lực cầu có dấu hiệu cải thiện nhẹ trong những phiên giao dịch cuối tuần.

Bước sang tuần giao dịch tới, xu hướng thị trường có thể được xác nhận khi những thông tin quan trọng sắp được công bố, bao gồm số liệu vĩ mô trong nước tháng 7, Fed đưa ra những cập nhật trong cuộc họp cuối tháng 7 về lộ trình cắt giảm lãi suất, đặc biệt là thời hạn công bố báo cáo KQKD quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.

Trong kịch bản cơ sở, chuyên gia VNDirect kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể xây nền và tích lũy trở lại trong vùng 1.230-1.260 điểm trong tuần giao dịch tới. Với định giá thị trường đã về mức hấp dẫn hơn, các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể "bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng tới", tập trung vào một số nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện như ngân hàng, tiêu dùng-bán lẻ và xuất nhập khẩu.

Ngược lại, các nhà giao dịch ngắn hạn cần chờ đợi thị trường "xác nhận xu hướng ngắn hạn" và "sự cải thiện của dòng tiền" trước khi gia tăng vị thế nắm giữ cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn trở thành giảm giá, kịch bản phục hồi chữ "V" khó xảy ra,

Theo Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco, áp lực bán nhịp giảm chủ yếu tới từ cá nhân trong nước. VN-Index đã có nhịp hồi sau khi phản ứng với vùng 1.220 điểm, tuy nhiên xu hướng ngắn hạn đã trở thành giảm giá và áp lực bán có thể gia tăng trở lại khi VN-Index tiến dần lên vùng 1.250 (+-5) điểm trong các phiên tới. Ông Khoa cho rằng kịch bản về sự hồi phục hình chữ "V" mà một số nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng ít có khả năng xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực bán từ nhà đầu tư cá nhân đang mạnh như hiện tại.

Việc thanh khoản sụt giảm trong nhịp điều chỉnh của VN-Index cho thấy tâm lý thận trọng của thị trường. Nhà đầu tư đã kỳ vọng khá nhiều vào sự khởi sắc hơn của nền kinh tế và lợi nhuận tiếp đà phục hồi trong quý 2/2024. Cùng với đó, sau nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường, VN-Index đang trong nhịp hồi kỹ thuật và chưa xác định rõ ràng xu hướng tiếp theo cũng khiến nhà đầu tư chưa có động lực để gia tăng giải ngân giai đoạn hiện tại.

Theo chuyên gia đến từ Agriseco, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự đảo chiều của dòng vốn ngoại sẽ sớm được diễn ra nhờ FED hạ lãi suất điều hành trong tháng 9 tới đây giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất, giảm áp lực lên tỷ giá; VN-Index điều chỉnh đưa định giá của thị trường và cổ phiếu về vùng hợp lý có thể thu hút dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan tới mùa BCTC đang diễn ra, các doanh nghiệp đang dần hé lộ KQKD quý 2, tính đến hiện tại, khoảng gần 600 doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC hoặc đưa ra ước tính về KQKD Quý 2/2024. Trong đó, LNST tăng trưởng 21,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 16,7% của quý 1. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế vẫn đang tiếp đà phục hồi, phản ánh vào KQKD của các doanh nghiệp. 

Mặc dù vậy có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và sự phân hóa này có thể tiếp tục trong quý 3 và nửa cuối năm 2024 khi yếu tố nền thấp của cùng kỳ đã không còn nữa. Do đó việc lựa chọn và tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ cần phải thực hiện một cách kỹ lưỡng.

Hiện tại thị trường mới trải qua nhịp điều chỉnh đưa VN-Index về biên dưới của kênh giá tích lũy, qua đó đưa định giá của nhiều nhóm cổ phiếu về vùng hợp lý hơn để có thể giải ngân. Ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở các vị thế mua trong nhịp điều chỉnh của thị trường, ưu tiên nhóm ngân hàng và nhóm VN30, tập trung các cổ phiếu đầu ngành khi thị giá đã chiết khấu sâu.

Câu chuyện xoay quanh việc chọn đúng mã cổ phiếu cho thời gian 6 tháng sắp tới

Tích cực hơn, Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá bối cảnh trong nước và thế giới không có điểm gì quá đáng ngại. TTCK thế giới ít nhiều rung lắc nhưng chủ yếu là do sự chốt lời của cổ phiếu công nghệ và chảy sang nhóm cổ phiếu khác. Các yếu tố liên thị trường đều không quá đáng lo.

Tương tự, các yếu tố trong nước có lẽ cũng không quá đáng ngại. Tuần qua cho thấy việc giao dịch khối ngoại có vẻ như đang dần cân đối trở lại. Riêng về dư nợ cho may margin, dù số tuyệt đối cao kỷ lục nhưng với vai trò người hoạt động trong ngành, tôi thấy khả năng cung ứng của nhiều CTCK sau loạt tăng vốn là vẫn còn rất nhiều, đồng thời như nhiều lần đề cập, CTCK hiện nay làm thay một phần chức năng cho vay của Ngân hàng, do đó số tuyệt đối cao kỷ lục nhưng rủi ro là không cao.

image002.png

Chỉ số VN-Index đã phục hồi nhẹ vào cuối tuần và giữ được mức 1.240 điểm, nhưng nhiều cổ phiếu khỏe đã vượt đỉnh 3-6 tháng. Điều này cho thấy dòng tiền không rời bỏ thị trường, mà luân chuyển sang các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý 2/2024 tích cực và có tiềm năng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024. Theo ông Huy, câu hỏi đặt ra không phải là VN-Index có hồi phục hay không, mà là câu chuyện chọn đúng mã cổ phiếu cho thời gian 6 tháng sắp tới.

"Tôi kỳ vọng vào khả năng phục hồi cho VN-Index, mặc dù trong tuần tới thị trường sẽ phải đối diện xem thanh khoản có trở lại hay không. Ngưỡng 1.240 tương đối quan trọng lúc này và nếu tuần tới thị trường trụ vững trên ngưỡng nói trên cùng thanh khoản dần trở lại, tâm lý thị trường sẽ vững vàng hơn sau những biến cố", ông Huy chia sẻ.

Điểm nhấn mùa báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, sự phân hóa rõ ràng giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm ngành được nhấn mạnh. Các nhóm ngành phục hồi theo nền kinh tế có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ nổi bật là bán lẻ, dệt may, cao su, ngân hàng, phân bón, thép, và vận tải thủy. Điểm nổi bật là nhóm ngành ngân hàng vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng lợi nhuận khá tốt, bất chấp những khó khăn được dự báo từ trước.

Cũng có nhiều sự thất vọng ở nhóm "Phi tài chính" như một số doanh nghiệp BĐS xây dựng, một số CTCK,… và cũng có những DN báo lỗ, nhưng nhìn chung mùa KQKD quý 2 vẫn đang đi đúng kỳ vọng và thể hiện sự phục hồi trong lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

image003.png

Ông Huy khuyến nghị các nhà đầu tư nên quan sát và lựa chọn mã cổ phiếu thuộc những ngành phát triển theo nền kinh tế. Bên cạnh đó, với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp có nhiều tiềm năng hưởng lợi.

Xem thêm tại cafef.vn