TTCK Việt Nam đi qua năm 2023 đầy biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của TTCK quốc tế. Mặc dù vậy, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng hơn 12% trong năm qua, đạt 1.129,93 điểm.Ông có góc nhìn như thế nào về bức tranh chung của TTCK trong năm 2024?
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hứng chịu cơn bão từ lạm phát và nền lãi suất cao chung để kiềm chế lạm phát đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ở khu vực Châu Âu, và Châu Á. Tuy vậy, bước qua năm 2024, kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng có nhiều điều kiện bắt đầu tạo đáy và đi lên.
Với bối cảnh kinh tế như vậy, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn phần còn lại của thế giới ít nhất đến nửa đầu của năm 2024 khi kinh tế Mỹ vẫn duy trì sức nóng, các doanh nghiệp của Mỹ vẫn tạo ra thu nhập đáng kể trong lúc nền lãi suất vẫn đang ở mức rất cao, chứng tỏ sức khỏe tài chính vượt trội của kinh tế Mỹ. Mặt khác, nền lãi suất duy trì ở mức cao dù FED đã ra tín hiệu giảm lãi suất trong 2024, dự kiến lãi suất FED FUND RATE sẽ duy trì trên 4% trong 2024. Lãi suất cao tại Mỹ so với phần còn lại của thế giới phải bắt đầu giảm lãi suất nhanh hơn để hỗ trợ kinh tế ( ví dụ như phía Trung Quốc, Việt Nam…) khiến dòng tiền đầu tư cũng duy trì rút ròng trở về Mỹ để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước. Với lợi nhuận ngành Ngân hàng được dự đoán sẽ đi ngang, tăng trưởng giảm trong 2024, Ngành Bất động sản vẫn còn phải gỡ về pháp lý và tìm kiếm dòng tiền kinh doanh, tổng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn được dự đoán sẽ không tăng trưởng vượt trội so với 2023. Cùng với đó, dòng tiền nước ngoài cũng không phải là 1 động lực đáng kể cho thị trường khi so với 1 số thị trường đang tăng trưởng cao tốc như Mỹ, Ấn Độ, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vừa hồi phục nhẹ.
Tuy vậy, bức tranh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn không mang gam màu tối khi động lực tăng trưởng của nhiều nhóm ngành vẫn được giữ nguyên và tiếp thêm động lực nhờ các chính sách kịp thời của Nhà nước. Động lực của thị trường đến từ các nhóm ngành mang chủ đề Đầu tư công, Khu công nghiệp, Dầu khí.
Ngoài ra, xuyên suốt năm, với chính sách tiền tệ nới lỏng, chỉ đạo hướng tín dụng đến tiêu dùng, sản xuất, và bất động sản thì chủ đề về phục hồi sức mạnh tiêu dùng nhóm Bán lẻ, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, Bất động sản sẽ có nhiều đợt sóng phục hồi riêng lẻ cho cả năm 2024.
Do đó nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2024 sẽ duy trì phân hóa, nhưng vẫn trên đà phục hồi từ sự hồi phục chung của kinh tế Việt Nam nói chung và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn nói riêng.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Xu hướng hồi phục tăng điểm là chủ đạo cho dù có 2 pha tăng và giảm khá mạnh trong năm - VN-Index hồi phục từ tháng 11/2022 trước khi qua vùng 1.250 điểm tháng 9/2023 và tiếp tục tạo đáy sâu của năm 2023 tại mốc 1.020 – 1.025 điểm tháng 11.
Thị trường không biến động nhiều về điểm số nhưng lại có vô số cổ phiếu tăng mạnh trong năm với nhiều mã tăng 30 - 50 - 100% hoặc thậm chí hơn kể đến có các cổ phiếu như HPG, CTD, SSI, BMP, DRC, DGC, BFC...
Kinh tế tăng trưởng chậm thấp hơn dự báo, nền kinh tế vẫn còn những thách thức, khó khăn nội tại - TTCK vẫn là kênh đầu tư được các nhà đầu tư quan tâm cho dù thanh khoản chưa tăng như kỳ vọng.
Năm 2024 với nhiều tín hiệu tích cực hơn khi VN-Index có thể tăng lên khu vực 1.250 – 1.280 điểm hoặc thậm chí tiến tới mốc 1.350 điểm. Năm mới sẽ là năm có lẽ thuận lợi hơn khi có nhiều cơ hội hơn trên TTCK.
Ông Lê Đức Khánh |
Đâu là những biến số có tác động lớn đến TTCK cần phải lưu tâm trong năm 2024, theo các ông/bà?
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Biến số 1, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao khi nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng lớn. Sự hồi phục của kinh tế thế giới là yếu tố quan trọng cho sự hồi phục của kinh tế Việt Nam. Sự hồi phục của kinh tế thế giới vẫn là biến số lớn cho khả năng hồi phục về lợi nhuận của các doanh nghiệp trên TTCK liên quan đến xuất nhập khẩu, dòng tiền đầu tư FDI (Khu công nghiệp)…
Thứ 2 là biến số về rủi ro địa chính trị. Tuy xung đột giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu hạ nhiệt, xung đột địa chính trị tại Trung Đông vẫn còn duy trì sức nóng và nguy cơ lan rộng sẽ làm giá cả biến động lớn, ảnh hưởng đến tốc độ giảm lạm phát của thế giới. Đồng thời tâm lý đầu tư cũng ảnh hưởng trong môi trường địa chính trị rủi ro.
Biến số thứ ba liên quan đến nội lực của Việt Nam, đặc biệt là sự hồi phục của ngành Bất động sản. Sự hồi phục này đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều cơ quan của Nhà nước. Sự phối hợp hiệu quả là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp Bất động sản phục hồi và phát triển.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Hệ thống giao dịch KRX mới, hoạt động thúc đẩy đầu tư công, các dự án FDI, xây dựng hạ tầng công trình, hoạt động xuất nhập khẩu, mảng chế biến chế tạo - Năm nền tảng chuẩn bị cho giai đoạn nâng hạng thị trường ở các năm tiếp theo - có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ TTCK hơn trong năm 2024.
Tuần cuối cùng của năm 2023, khối ngoại đã mua ròng trở lại sau 20 phiên bán ròng liên tiếp, tự doanh CTCK cũng đẩy mạnh mua ròng trong giai đoạn vừa qua. Điều này đã đủ chỉ báo điều gì, theo các ông/bà?
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Trong tuần cuối cùng của năm 2023, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng sau 20 phiên bán ròng liên tục, trong khi đó, tự doanh của các công ty chứng khoán cũng tăng cường mua ròng. Tuy nhiên, dù khối ngoại mua ròng trong các phiên cuối năm, tổng giá trị bán ròng cả năm của họ đã lên tới gần 25.000 tỷ đồng, phân bố rộng rãi qua nhiều ngành. Sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại ở giai đoạn cuối năm có thể chưa đủ để khẳng định xu hướng quan tâm trở lại của họ đối với thị trường Việt Nam, nhưng cung cấp một số quan sát mới.
Đáng chú ý, sự tham gia của khối ngoại gần đây chủ yếu đến từ quỹ Fubon và Kim Kindex, phản ánh sự đồng thuận trong chiến lược đầu tư vào Việt Nam của các quỹ đến từ Hàn Quốc và Đài Loan. Có thể dự đoán rằng dòng tiền từ các quỹ này sẽ tiếp tục tăng lên, nhằm bù đắp cho sự rút lui của các quỹ ngoại khác.
Ông Lương Duy Phước |
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Giai đoạn khối ngoại mua ròng ở lại thậm chí mạnh hơn ở giai đoạn đầu năm mới - khối ngoại giải ngân tự tin hơn trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu VN30, cổ phiếu cơ bản, dẫn dắt có lực mua lên tích cực cho dù thanh khoản chưa hẳn đột biến. Xu hướng đi lên vượt qua các mốc kháng cự mạnh 1.130 – 1.135 điểm hoặc thậm chí là mốc 1.140 – 1.160 điểm cũng có thể được tính đến ngay trong quý I/2024.
Trong tuần qua, cùng với một số bluechips, nhóm cổ phiếu Ngân hàng như TCB, MBB… đóng vai trò “kéo” thị trường hồi phục, góp phần giữ nhịp tăng cho thị trường và kỳ vọng có thể sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rộng hơn sang các cổ phiếu khác trong đầu năm mới. Đâu là nhóm cổ phiếu có nhiều tiềm năng cho giai đoạn đầu năm 2024, theo các ông/bà?
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Trong giai đoạn đầu năm 2024, nhóm ngành Ngân hàng là một trong các động lực chính của thị trường. Sự trỗi dậy của 2024 đến từ (1) Định giá rẻ sau thời gian giảm mạnh trong quý IV/2023, (2) tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng tốc vào quý IV/2023, (3) Kỳ vọng về các chính sách hỗ trợ cho bất động sản, tiêu dùng để khơi thông dòng tiền, (4) Kỳ vọng tiếp tục giãn Thông tư 02/2023/TT-NHNN đảm bảo không tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng, qua đó tạo điều kiện tiếp tục gia tăng khả năng tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó với chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới đi vào giai đoạn cuối, xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu bắt đầu, kỳ vọng sự phục hồi của sức mạnh tiêu dùng và cụ thể nhóm ngành Bán lẻ sẽ khởi sắc hơn.
Các nhóm ngành khác có chủ đề đầu tư tốt: (1) Đầu tư công - quyết tâm của Nhà nước dùng động lực từ đầu tư công để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế tập trung vào các dự án đẩy nhanh hạ tầng huyết mạch, (2) Khu công nghiệp – tiếp nối làn sóng FDI trong xu hướng dịch chuyển sản xuất, (3) Dầu khí – chờ đợi điểm rơi lợi nhuận từ Backlog dự án Lô B Ô Môn, (3) Bất động sản – Tháo gỡ các vấn đề còn tồn động.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Nhóm cổ phiếu tài chính – chứng khoán - thép, hoá chất, công nghệ, cảng biển, dầu khí sẽ là các nhóm thu hút dòng tiền với nhiều triển vọng trong năm 2024.
Chỉ số VN-Index đang vận động để hướng tới mốc kháng sự tiếp theo và đây là cơ hội để giao dịch ngắn hạn. Nhà đầu tư nên chọn chiến lược nào ở giai đoạn này, theo ông/bà?
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Trong bối cảnh TTCK phân hóa cao, đồng thời khung thời gian còn lại đến kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch còn rất ngắn. Nhà đầu tư nên chú ý quản trị rủi ro trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có thể chú ý sử dụng tỷ trọng tiền trung bình để lướt sóng tận dụng sức mạnh của xu hướng ngắn hạn còn đang rất mạnh, và tâm lý thị trường duy trì tích cực.
Mặt khác, tận dụng phần tỷ trọng còn lại để chủ động cơ cấu danh mục đối với các nhóm ngành mà dòng tiền còn chưa quan tâm đến như các chủ đề ở trên.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Có lẽ việc giao dịch ngắn hạn vẫn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng giai đoạn hiện tại cho dù việc mua gom và tích luỹ cổ phiếu triển vọng với tầm nhìn 3 - 6 tháng hoặc cả năm vẫn được chú ý với các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị. Có cổ phiếu giao dịch ngắn và có cổ phiếu nắm giữ dài - chiến lược đầu tư linh hoạt vẫn là giải pháp phù hợp với đa số các nhà đầu tư hiện nay.