Biến động chứng khoán toàn cầu và những thông tin thiên tai trong nước đã ít nhiều ảnh hưởng đến diễn biến của TTCK trong tuần qua. Thanh khoản cũng ghi nhận sụt giảm khi chỉ đạt bình quân 13.000 tỷ đồng/phiên (tính trên HoSE). Ở thời điểm hiện tại, có thể nhìn nhận thiên tai đang tác động đến TTCK Việt Nam ở khía cạnh nào, theo các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Sự ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai tới hoạt động của nền kinh tế cũng như gián tiếp tới TTCK là điều khó tránh khỏi. Sẽ có những ngành nghề, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mất mát nhất định. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý thị trường bị tác động cũng là điều đã từng xảy ra không chỉ một lần trong quá khứ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thiên tai có thể tác động tiêu cực lên tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt cơn bão Yagi có mức độ ảnh hưởng lớn, nhưng chưa thể đánh giá được hết toàn bộ tác động chính xác từ cơn bão này cho con số tuyệt đối. Tuy nhiên, theo thống kê lịch sử của tôi từ năm 2000 đến nay, các trận bão mạnh trong lịch sử tác động tiêu cực lên thị trường thường thấp và phần lớn chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng trưởng dương sau cơn bão trong 1 tháng tới, 3 tháng tới, 6 tháng tới và 1 năm tới.
Biến động VN-Index sau Bão | 1 tháng | 3 tháng | 6 tháng | 1 năm |
Bão Noru (21/9/2022) | -12.4% | -13.2% | -13.5% | 2.7% |
Bão Molave (28/10/2020) | 8.6% | 26.4% | 35.6% | 51.1% |
Bão Damrey (4/11/2017) | 14.2% | 29.5% | 24.9% | 8.7% |
Bão Mirinae (25/7/2016) | 1.3% | 5.0% | 5.8% | 18.1% |
Bão Hải Yến (09/11/2013) | 2.0% | 13.8% | 5.7% | 19.9% |
Bão Sơn Tinh (26/10/2012) | -2.6% | 13.1% | 20.7% | 26.6% |
Bão Ketsana (01/10/2009) | 2.2% | -15.8% | -11.2% | -19.6% |
Bão Xangsane (01/10/2006) | -3.6% | 38.2% | 94.1% | 78.0% |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Tình hình thiên tai trong đợt bão vừa qua đã vượt qua sự mường tượng của nhiều người và cho đến nay vẫn chưa lượng hóa hết những thiệt hại mà người dân và doanh nghiệp gánh chịu. Nhiều ngành nghề bị thiệt hại mang tính dây chuyền mà nổi bật nhất là các nhóm ngành nông nghiệp, xây dựng, vận tải logistics, năng lượng, bảo hiểm… đều bị tác động trực tiếp. Những tin tức liên quan đến thiệt hại do cơn bão gây ra có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, từ đó tạo ra sự biến động trên thị trường trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Như vậy, thị trường trong ngắn hạn, gần hơn là trong tuần tới sẽ biến động theo xu hướng nào?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Về cơ bản, thị trường vẫn đang trong nhịp điều chỉnh theo hướng giằng co giảm dần. Việc lui về vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm sẽ khiến áp lực bán giảm đồng thời có sự kích thích lực cầu bắt đáy nhất định, do vậy chỉ số có cơ hội xuất hiện các nhịp hồi phục trong tuần tới đây.
Nhìn xa hơn chút, nếu giữ vững được mốc 1.250 điểm, chỉ số sẽ quay trở lại kênh tích lũy 1.250-1.300, còn ngược lại xu thế giảm sẽ lại chiếm ưu thế.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Hiện nay, dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng sau bão. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn giảm dần khi xu hướng ngắn hạn của TTCK thế giới đang dần xác lập xu hướng tăng ngắn hạn, trong khi đó rủi ro bão cũng đã giảm dần. Đồng thời, việc duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới là điều kiện thuận lợi cho TTCK Việt Nam.
Như vậy, đà giảm ngắn hạn có thể chững lại và TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn tích lũy để xác lập xu hướng tăng mới trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Hiện tại thị trường cũng đã hấp thụ các thông tin về những thiệt hại về kinh tế và tình hình thiên tai. Tuần sau, thị trường có thể sẽ có sự phân hóa lớn hơn khi niềm tin của nhà đầu tư dần ổn định trở lại. Vấn đề hiện tại chưa có một nhóm ngành chủ đạo dẫn dắt thị trường, vì vậy sẽ khó có sự bứt phá mà thị trường sẽ tiếp tục giằng co thêm một thời gian.
Ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư cũng đang hướng về cuộc họp diễn ra từ ngày 17 – 18/9 khi Fed khả năng cao sẽ kết thúc thời kỳ thắt chặt tiền tệ bằng quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau bốn năm. Về lý thuyết, khi Fed hạ lãi suất, kinh tế có lợi hỗ trợ kinh tế toàn cầu cũng như tác động tích cực đến TTCK. Tuy nhiên, diễn biến thực tế đang diễn ra có phần hơi trái ngược. Vậy, TTCK có thể kỳ vọng gì từ hành động của Fed?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Ông Dương Hoàng Linh |
Thực ra, việc FED sẽ cắt giảm lãi suất đã được giới tài chính toàn cầu dự báo và biết trước từ khá lâu, điều này đã phản ánh trước vào diễn biến TTCK toàn cầu. VN-Index thì đang có sự lệch pha so với xu thế tích cực của TTCK thế giới do những yếu tố nội tại lấn át, do vậy tôi không kỳ vọng nhiều vào tác động của việc FED cắt giảm lãi suất đối với TTCK Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
TTCK Mỹ cũng đã phản ứng tích cực trước kỳ vọng về việc Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp 18/09/2024. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam chịu sự ảnh hưởng từ các vấn đề trong nước trong đó cơn bão Yagi và câu chuyện Prefunding vẫn chưa có quyết định cụ thể.
Tôi kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cùng xu hướng ngắn hạn của TTCK thế giới khi áp lực tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt cùng với việc NHNN sẽ có thể có thêm các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế bù đắp sự ảnh hưởng từ cơn bão. Về dài hạn, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khi chính sách nới lỏng được kéo dài.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Câu chuyện FED hạ lãi suất đã được nhà đầu tư dự đoán từ trước và thị trường phần nào đã hấp thụ tin tức này một thời gian. Có thể khi tin tức chính thức được công bố thị trường sẽ phản ứng một cách rõ nét hơn. Dĩ nhiên phải mất một thời gian để việc Fed hạ lãi suất mới mang lại những chuyển biến thật sự có thể tác động đến thị trường mà rõ nét nhất là tạo sự biến đổi dòng vốn đầu tư và tác động đến hoạt động tỷ giá tại Việt Nam.
Việc FED hạ lãi suất là yếu tố khách quan quan trọng để NHNN có thể quay trở lại định hướng nới lỏng chính sách, duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Những ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất thấp, theo ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Ở giai đoạn trước, khi FED liên tục tăng lãi suất thì lãi suất trong nước lại liên tục giảm, chính vì vậy việc FED hạ lãi suất không đồng nghĩa với việc lãi suất trong nước sẽ giảm theo. Với mặt bằng đã rất thấp hiện nay, nền kinh tế trong nước đang trên đà hồi phục đồng nghĩa nhu cầu vốn tăng, do vậy tôi đánh giá lãi suất sẽ vào xu hướng tăng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nhóm Ngân hàng và Chứng khoán sẽ là hai nhóm hưởng lợi trực tiếp từ môi trường lãi suất thấp, đặc biệt khi lãi suất USD hạ nhiệt trong thời gian tới. Đồng thời, trong lĩnh vực nhóm phi tài chính thì bất động sản và bán lẻ cũng được hưởng lợi nhiều nhất trong nhóm này vì đòn bẩy ở hai nhóm này chiếm tỷ trọng cao nhất.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Khi nhà nước nới lỏng chính sách và duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ mang lại lợi ích của rất nhiều ngành nghề trong hoạt động kinh tế vì doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay rẻ hơn và bớt áp lực lãi vay. Đặc biệt là các nhóm ngành có đòn cân nợ cao như bất động sản, sản xuất, công nghiệp.
Thị trường biến động như thế nào thì mục tiêu quan trọng nhất của nhà đầu tư vẫn là tìm được nhóm cổ phiếu còn tiềm năng tăng trưởng. Vậy đâu là nhóm cổ phiếu còn cơ hội tăng tốt về lợi nhuận cũng như còn triển vọng giá cổ phiếu tích cực?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Tôi đánh giá cao các cổ phiếu đầu ngành thuộc VN30, nhiều khả năng sẽ thu hút được dòng tiền khi kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang dần hé lộ. Ngoài ra các ngành như Công nghệ, Bán lẻ, Dịch vụ hàng không, Bất động sản công nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nhóm Ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, bán lẻ, hóa chất và ngành hàng tiêu dùng thiết yếu có thể sẽ là những nhóm duy trì tăng trưởng trong giai đoạn tới với mức định giá thấp và vẫn trong đà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn là hai nhóm ngành chủ lực của thị trường hiện tại và dòng tiền cũng sẽ tập trung vào hai nhóm ngành này nhiều nhất trong thời gian tới. Ngoài ra một số nhóm ngành khác đang trong giai đoạn tăng trưởng khá như phân bón, bán lẻ, công nghệ cũng đáng chú ý và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng lưu ý nhóm cổ phiếu xây dựng liên quan đầu tư công tiếp tục là điểm sáng từ nay đến sang năm do hoạt động đầu tư công vẫn đang tăng trưởng rất nhanh với nhiều dự án trọng điểm nối tiếp triển khai từ nay đến sau năm 2030.