Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Những nhóm ngành đón sóng kết quả kinh doanh quý I/2024

Mặc dù phiên cuối tuần ghi nhận giảm điểm, nhưng chỉ số VN-INDEX đóng cửa tại 1284,09 điểm, ghi nhận mức tăng 0,44%. Mốc 1.300 vẫn đang là ngưỡng cản của chỉ số VN-Index ở giai đoạn này, độ rộng của thị trường vẫn cho thấy tâm lý thị trường chung còn tương đối cẩn trọng. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về tuần giao dịch tới? Liệu xu hướng tích cực có nối tiếp trong tháng 4, khi VN-Index là một trong top 3 chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất trên thế giới tính trong 3 tháng đầu năm 2024?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Xét tổng thể, VN-Index vẫn đang trong trạng thái tích cực, những diễn biến rung lắc, phân hóa tuần qua do chỉ số đã tiến sát đến vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm. Áp lực bán chốt lời gia tăng trong khi đó lực cầu có sự phân vân khá rõ trước ngưỡng này là lý do khiến thanh khoản giảm mạnh tuần qua.

Nhìn chung, tôi đánh giá xu hướng tăng điểm theo dạng bò dần lên vẫn là chủ đạo trong ngắn hạn và dự báo sẽ kéo dài trong tháng 4. Tuy nhiên quan sát diễn biến gần đây, tôi cho rằng đây là giai đoạn khá khó khăn cho các nhà đầu tư lướt sóng do biên lợi nhuận thấp và sự rung lắc, phân hóa sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần vừa qua tiếp tục vẫn giữ nhịp tốt theo xu hướng tăng dần và tiến gần tới ngưỡng 1.300 quan trọng. Tuy nhiên cũng có thể cảm nhận rõ ràng động lực chung của thị trường đang yếu đi và các phiên giữ điểm số đều là nhờ sự nỗ lực của một số nhóm cổ phiếu trụ đặc biệt.

Tuần tới, thị trường sẽ chịu nhiều áp lực lớn hơn và chỉ số có thể tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 1.300 cho đến khi tích lũy đủ để vượt qua mốc này.

Về xu hướng chung tháng 4 thị trường có thể sẽ xuất hiện vài nhịp điều chỉnh ngắn, tuy nhiên xu hướng tích cực của thị trường vẫn duy trì và có thể kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ vượt qua được mốc 1.300 thành công.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể duy trì đà tăng vào tuần giao dịch tới, nhưng chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi tiến vào vùng 1.300 – 1.330 điểm.

Đồng thời, tôi cho rằng thị trường có thể sẽ giảm nhẹ trong tháng 04 sau khi tăng vào vùng 1.300 – 1.330 điểm vì tháng 4 và tháng 5 là thời điểm vùng trũng thông tin và định giá thị trường thế giới đang ở mức cao, nhưng nhịp điều chỉnh trong tháng 4 có thể chưa ảnh hưởng lên xu hướng tăng trung và dài hạn của thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Quan điểm kỹ thuật: Dự báo trong những phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục quán tính điều chỉnh để kiểm định hỗ trợ MA5 tại vùng 1.280-1.282 điểm. Nếu lực bán không mạnh, chỉ số có khả năng sẽ tăng trở lại sau đó để tiếp tục thử thách vùng kháng cự tại 1.285-1.310 điểm. Nhưng nếu hỗ trợ MA5 bị vi phạm, VN-Index có thể sẽ cần tìm điểm cân bằng ở vùng giá thấp hơn, quanh đường MA10, MA20 tại 1.265 - 1.270 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh trên sàn với giá trị bán ròng gần 5.000 tỷ đồng trong tuần qua và 10.000 tỷ đồng trong tháng 3. Dù vậy, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đang là trụ cột chính “gánh” thị trường. Ông/bà đánh giá như thế nào về chuyển động dòng tiền ở thời điểm hiện tại?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Rõ ràng tôi vẫn đánh giá cao sức mạnh của dòng tiền ngắn hạn trên thị trường ở thời điểm hiện tại khi đã và đang hấp thụ khá tốt áp lực bán ròng rất mạnh của khối ngoại. Do vậy động thái bán ròng của khối ngoại đã không ảnh hưởng nhiều đến kênh xu thế chung. Tuy nhiên việc này ảnh hưởng lớn đến danh mục bị khối ngoại bán mạnh, chính vì thế đã có sự phân hóa rất lớn ngay tại các cổ phiếu thuộc nhóm VN30.

Dòng tiền hiện nay nhìn chung vẫn đang cho thấy sự dịch chuyển xoay vòng giữa các nhóm ngành trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Ngân hàng, Dầu khí, Công nghệ..., tuy nhiên đà tăng tốt thường chỉ diễn ra tại những cổ phiếu không bị khối ngoại bán ròng mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền của khối ngoại vẫn rút ròng ở thị trường Việt Nam từ tháng 4 năm ngoái đến nay và gia tăng mạnh hơn trong giai đoạn đầu năm. Với dòng tiền quốc tế đang có xu hướng rút về do Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến dòng vốn chảy ngược về Mỹ. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ bán ra cổ phiếu ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trong 3 tháng đầu năm 2024, từ mức 3,8% vào đầu tháng 1 lên 4,2% vào cuối tháng 3.

Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam yếu tố lãi suất tiết kiệm thấp trong khi bối cảnh kinh doanh sản xuất thương mại vẫn còn khó khăn dẫn đến dòng tiền chảy vào các kênh chứng khoán để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Xu hướng này có thể tiếp tục trong thời gian tới và dòng tiền trong nước sẽ chảy vào thị trường chứng khoán trong nước ngày càng nhiều hơn với mức tăng từ 20 - 30% so với cuối năm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chưa quay lại mua ròng trong thời điểm này khi tỷ giá vẫn còn áp lực tăng trong thời điểm tới và tỷ giá có thể vẫn sẽ còn neo ở mức cao cho đến khi Fed bắt đầu có động thái giảm lãi suất hoặc NHNN có động thái tăng lãi suất cho nên thị trường sẽ vẫn còn phụ thuộc và dẫn dắt bởi dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tất nhiên, nếu thị trường điều chỉnh mạnh về vùng giá hấp dẫn cũng là yếu tố có thể thu hút dòng tiền quay trở lại mua ròng.

Xét theo nhóm ngành, ngân hàng vẫn tiếp tục đóng vai trò là nhóm trụ cột thu hút dòng tiền lớn nhất và cũng có mức tăng trưởng tương đối tích cực, dẫn dắt thị trường chung. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh quý 1/2024 để định hướng hành động tiếp theo. Đâu là nhóm doanh nghiệp/ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý 1/2024 khả quan, theo các ông/bà? Có thể kỳ vọng gì ở sóng kết quả kinh doanh quý đầu năm?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Tôi không đặt kỳ vọng vào việc hình thành điều gọi là sóng kết quả kinh doanh quý 1, bởi sẽ có sự phân hóa về hoạt động kinh doanh giữa các nhóm ngành. Dù vậy, với nền tảng vĩ mô đang có sự cải thiện, kết quả kinh doanh quý 1 nhìn chung được dự báo sẽ có sự khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Tôi đánh giá những nhóm ngành có triển vọng KQKD quý 1 tích cực sẽ là: Chứng khoán, Dầu khí, Thép, Đường…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Một số nhóm ngành có thể kỳ vọng tăng trưởng trong quý 1 đầu năm nay đầu tiên có thể kể là nhóm ngành vật liệu xây dựng như thép hay nhóm có dòng tiền đầu cơ mạnh nhất như chứng khoán. Một số nhóm ngành khác dự báo cũng lạc quan hơn như nhóm logistic, dầu khí, thủy sản, bán lẻ.

Nhóm ngân hàng dù có thể không quá kỳ vọng trong quý 1 nhưng vẫn là cột trụ giữ nhịp thị trường và nhà đầu tư kỳ vọng nhiều các kế hoạch tăng vốn trong năm nay của nhiều ngân hàng lớn.

Với kết quả tăng trưởng GDP chung Q1 năm nay tốt hơn mọi năm thì có thể kỳ vọng nhiều nhóm ngành trên thị trường sẽ có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số ngành vẫn còn khó khăn, vẫn trong giai đoạn phục hồi và cần chờ thêm các quý tiếp sau.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Theo dữ liệu vĩ mô tháng 3/2024 mới vừa được công bố, tôi cho rằng các nhóm xuất khẩu như dệt may, thủy sản, vận tải có thể sẽ tăng trưởng khả quan. Đồng thời, nhóm hóa chất, sản xuất thực phẩm và bán lẻ cũng được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực trong quý 1/2024 khi sức mua hồi phục.

Ngoài ra, nhóm bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán cũng trong đà tăng trưởng khi FDI tiếp tục xu hướng tăng trong quý 01/2024 và thanh khoản trên TTCK tăng mạnh.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Nhóm ngành có triển vọng kinh doanh quý 1 khả quan là nhóm ngành bán lẻ, tiêu dùng, ngành thép, năng lượng, dầu khí… Sóng kết quả kinh doanh đầu năm và đại hội cổ đông cũng không còn kéo dài nhiều vì thông tin về kết quả lợi nhuận hoặc các doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức lớn cũng đã được dự báo gần hết .

Chọn hành động như thế nào đang là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư. Vậy nên chọn chiến lược như thế nào ở thời điểm hiện tại, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ở thời điểm hiện tại, khi chỉ số đang gặp vùng cản mạnh thì việc lướt sóng không thực sự dễ dàng bởi biên lợi nhuận thường sẽ rất mỏng và rủi ro điều chỉnh mạnh nếu chỉ số thất bại trong việc vượt vùng cản là khá cao. Chính vì thế, nhà đầu tư có thể lựa chọn các doanh nghiệp cơ bản tốt được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, mua và nắm giữ để đón đầu kỳ báo cáo sẽ là hợp lý hơn.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong giai đoạn hiện tại chỉ tập trung vào một số nhóm ngành chính và vài cổ phiếu đơn lẻ có câu chuyện riêng như kế hoạch đầu tư lớn, tăng vốn… Một số nhóm ngành đã tăng khá nhiều trong giai đoạn đầu năm như nhóm ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ vì vậy nhà đầu tư có thể chờ ở nhịp sau và hướng sự tập trung vào các nhóm chưa tăng nhiều như hóa chất, bất động sản, khu công nghiệp, thép, dầu khí. Mỗi nhịp sóng sẽ có một số nhóm ngành dẫn dắt vì vậy nhà đầu tư cần có sự linh hoạt và hoán đổi danh mục để có lợi nhuận cao hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Trong ngắn hạn, tôi cho rằng các nhà đầu tư nên hạn chế mua vào thêm trong giai đoạn này, có thể cân nhắc chốt lời một phần tỷ trọng với các cổ phiếu đã có mức sinh lời cao. Đồng thời, trong trung và dài hạn, các nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế mua và nắm giữ.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Về xu hướng dài hạn thì vẫn còn trend tăng, nhưng các chỉ báo về động lượng, thanh khoản đang có những phiên sụt giảm mạnh (nếu loại ra những phiên có giao dịch thoả thuận lớn) do vậy cũng có những rủi ro nhất định.

Càng về gần ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm thì sẽ rung lắc mạnh hơn, do vậy nhà đầu tư cần thận trọng giảm margin, danh mục cổ phiếu tốt thì vẫn giữ để ăn được sóng dài hơn, còn những cổ phiếu đầu cơ lướt sóng thì xác định bán ngay khi có lãi, khi kết quả lợi nhuận được công bố và khi mùa đại hội cổ đông kết thúc.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn