Góc nhìn chuyên gia: Xuất hiện tín hiệu điều chỉnh trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên "lùi 1 bước để tiến 3 bước"
Tuần giao dịch cuối tháng 3 diễn ra khá tích cực dù VN-Index chịu áp lực rung lắc liên tục khi tiến tới vùng 1.300 điểm. Tuần qua thị trường đón nhận thông tin FTSE Russell công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2, hay hệ thống giao dịch CTCK VNDIRECT gặp sự cố. Kết thúc tuần VN-Index tăng nhẹ 0,18% so với tuần trước lên mức 1.284,09 điểm.
Giao dịch khối ngoại ghi nhận giá trị đột biến với việc bán ròng kỷ lục 4.799 tỷ đồng trên HoSE, 2/5 phiên nhà đầu tư ngoại bán ròng nghìn tỷ.
Với việc chỉ số đảo đi ngang cùng thanh khoản sụt giảm, các chuyên gia đồng thuận cho rằng thị trường sẽ phải đối diện với vùng kháng cự mạnh và không dễ để vượt qua, nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng trong bối cảnh hiện tại.
Thị trường có thể chịu áp lực chốt lời xuất hiện trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên "lùi 1 bước để tiến 3 bước"
Theo quan điểm của Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường Trung tâm phân tích DSC, kể từ sau đợt điều chỉnh kéo dài từ tháng 8 tới hết tháng 11 năm 2023, thị trường đã bước vào đà tăng mới rất mạnh. Tới nay, con sóng này đã kéo dài được 5 tháng. Nhiều cổ phiếu dẫn dắt thị trường đã có những bước tăng tới 30-40% trong giai đoạn này.
"Áp lực đáng kể nhất tới thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là áp lực chốt lời. Những kỳ vọng như định giá rẻ hay triển vọng phục hồi kết quả kinh doanh hầu hết đã được phản ánh, trong khi câu chuyện về nâng hạng thị trường phải tới năm 2025. Do đó hiện có thể sẽ không còn nhiều động lực để tạo ra sự hưng phấn, thu hút nhà đầu tư tiếp tục chủ động mua lên", quan điểm của ông Hiệp cho biết.
Bức tranh lợi nhuận quý 1, theo chuyên gia DSC, dù triển vọng tích cực nhưng cũng khó để tạo động lực mới cho thị trường, trừ khi tăng trưởng rất xuất sắc và vượt qua kỳ vọng đã khá cao của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.
"Hành động của khối ngoại với giá trị bán ròng hàng nghìn tỷ thời gian qua, tuy chỉ là một phần nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi đánh giá đây là động thái rất rõ ràng cho thấy dòng tiền thông minh đang dần chốt lời", ông Hiệp đánh giá.
Ngoài biểu hiện qua dòng tiền khối ngoại, áp lực chốt lời cũng có thể được quan sát thông qua biểu đồ kỹ thuật của VN-Index. Trong 1 tháng trở lại đây dù VN-Index tăng nhẹ nhưng các chỉ báo kỹ thuật lại cho thấy 1 bức tranh ảm đạm.
Do đó, ông Hiệp đánh giá trong 1-2 tháng tới thị trường có thể xảy ra rung lắc và điều chỉnh về vùng 1.180 - 1.230 điểm do ảnh hưởng từ những làn gió ngược ngắn hạn trước khi có thể tạo một cơn sóng mới, tiến về vùng 1.400 điểm. Đà tăng kéo dài 5 tháng theo ông Hiệp là một đoạn khá dài với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư như lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục hiện vẫn chỉ dừng chân kỳ vọng mà chưa thực sự chuyển thành thực tế.
Tuy nhận định thị trường gặp cản trong ngắn hạn, chuyên gia đến từ DSC bày tỏ sự tin tưởng vào đà hồi phục của nền kinh tế cũng như của thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2024 - 2025. Với triển vọng dài hạn từ lợi nhuận tăng trưởng nâng hạng thị trường, thu hút dòng vốn mới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ trong trung - dài hạn cho các nhà đầu tư.
Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư trong thời điểm này nên thực hiện chiến thuật "thả con săn sắt, bắt con cá rô", "lùi 1 bước để tiến 3 bước". Trong thời điểm này nhà đầu tư nên tập trung chốt lời các vị thế sẵn có để bảo toàn lợi nhuận kiếm được trong giai đoạn thị trường thuận vừa rồi. Sau đó, kiên nhẫn chờ đợi, quan sát vận động thị trường và chỉ giải ngân khi có điểm vào phù hợp .
Về áp lực tỷ giá, đây cũng là một yếu tố cần nhà đầu tư theo dõi lúc này. Hiện giá bán USD/VND đã tăng rất mạnh lên tiệm cận 25.000 (giá bán VCB) và đã tới 25.800 (theo tỷ giá chợ đen). Áp lực tỷ giá tăng mạnh có thể dẫn đến việc nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng đồng áp lực lạm phát gia tăng, có rủi ro khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.
Rủi ro của một nhịp điều chỉnh đáng kể đang tăng lên
Theo ông Nguyễn Đình Thuận, Chuyên viên phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thị trường vừa có một tuần giao dịch với biên độ thu hẹp, cho thấy tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư với xu hướng sắp tới trong ngắn hạn. Dòng tiền phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu. Về kịch bản cơ sở cho diễn biến tuần tới, ông Thuận cho rằng nhiều khả năng sẽ xuất hiện các phiên "rung lắc" mạnh, đặc biệt khi chỉ số tiếp cận gần ngưỡng kháng cự quan trọng. Lưu ý rủi ro của một nhịp điều chỉnh đáng kể đang tăng lên, trước khi thị trường có thể quay trở lại tiếp diễn xu hướng tích cực.
Nhận định bức tranh lợi nhuận quý 1/2024, ông Thuận dự phóng , gam màu chủ đạo vẫn là phục hồi song sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành. Một số nhóm ngành kỳ vọng là điểm sáng có thể kể tới như nhóm tài chính, ngân hàng và chứng khoán hay nhóm bán lẻ với kỳ vọng phục hồi từ mức nền thấp, nhóm bất động sản khu công nghiệp với sự tích cực từ dòng vốn FDI.
Trên cơ sở lãi suất ở mức thấp và kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi, chuyên gia đến từ KBSV cho rằng VNIndex sẽ tiếp tục xu hướng tích cực của mình từ đầu năm. Tuy nhiên, trên đường đi lên, thị trường sẽ phải đối mặt với một vài áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn, trước khi cân bằng và lấy lại đà tăng của mình.
Bàn về động thái nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng hàng nghìn tỷ, tiếp diễn trong nhiều phiên, chuyên gia KBSV đánh giá lý do đầu tiên đến từ sự chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới không phải quá hấp dẫn. Các lĩnh vực thu hút sự chú ý gần đây như công nghệ, y tế, năng lượng,… lại chiếm tỷ trọng nhỏ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, về mặt định giá, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn hơn với một số thị trường khác như Trung Quốc,... Tuy vậy về dài hạn, Việt Nam vẫn là quốc gia có sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại nhờ tiềm năng phát triển kinh tế và nền chính trị ổn định. Ngắn hạn, dựa trên kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất và câu chuyện nâng hạng thị trường, dòng vốn ngoại rất có thể sớm trở lại mạnh mẽ.
Về chiến lược giao dịch trong thời gian tới, ông Thuận cho rằng nhà đầu tư nên duy trì một tỷ trọng cân bằng trong danh mục để tránh áp lực tâm lý trước những diễn biến rung lắc của thị trường. Việc giải ngân mới nên được xem xét hạn chế cho đến khi xuất hiện những phiên giảm điểm đáng kể, đặc biệt đối với những nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua.
Với danh mục đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, nhà đầu tư nên cân nhắc cơ cấu giảm tỷ trọng nhằm bảo vệ thành quả và chuẩn bị sẵn sàng cho nhịp giải ngân mới khi thị trường điều chỉnh.
Xem thêm tại cafef.vn