Góc nhìn CTCK: Nhịp điều chỉnh lành mạnh, có thể cân nhắc giải ngân
Thị trường chứng khoán mở cửa với gap tăng gần 6 điểm nhưng áp lực bán chốt lời gia tăng sau đó khiến VN-Index suy yếu về cuối phiên. Đóng cửa, VN-Index giảm 2,14 điểm về 1.283,8 điểm. Thanh khoản trên HoSE sụt giảm so với phiên trước với giá trị giao dịch đạt hơn 18.500 tỷ đồng.
Nhận định về phiên giao dịch ngày 12/7, đa số các CTCK cho rằng nhịp điều chỉnh vừa qua khá lành mạnh và chưa ảnh hưởng nhiều đến xu hướng tăng giá ngắn hạn của thị trường.
Nhịp điều chỉnh lành mạnh, có thể cân nhắc giải ngân
Chứng khoán Agriseco: Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đóng cửa tại mức giá thấp gần nhất phiên cho thấy phe bán đang chiếm ưu thế khi áp lực chốt lời ngắn hạn có xu hướng gia tăng. Tín hiệu trên củng cổ cho cặp nến Bearish Engulfing báo hiệu khả năng đảo chiều giảm phiên trước. Tuy nhiên, Agriseco Research cho rằng nhịp điều chỉnh trên đang tương đối lành mạnh và chưa ảnh hưởng nhiều đến xu hướng tăng giá ngắn hạn của thị trường.
Nhiều khả năng, lực cầu chủ động sẽ gia tăng trở lại khi chỉ số có nhịp rung lắc về vùng 1.270 (+-5) điểm. Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư tăng dần tỷ trọng cổ phiếu tại vùng giá hiện tại, ưu tiên các cổ phiếu thuộc nhóm ngành được kỳ vọng công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 tăng trưởng tốt như bán lẻ, thép và nhóm xuất khẩu (gỗ, dệt may).
Tiếp tục giằng co
Chứng khoán Yuanta: Thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại trong phiên kế tiếp. Đồng thời, Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường vẫn đang ở giai đoạn điều chỉnh, nếu nhịp điều chỉnh tiếp tục diễn ra trong 1-2 phiên tới, Yuanta kỳ vọng cầu giá thấp sẽ sớm gia tăng trở lại.
Điểm tích cực là tình trạng phân hóa đang diễn ra, điều này cho thấy dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu và có dấu hiệu tập trung ở nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng nhẹ cho thấy cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng.
Tiếp tục điều chỉnh
Chứng khoán Asean: Nhịp điều chỉnh là tương đối nhẹ nhàng và không có áp lực bán hoảng loạn quá lớn. Độ rộng thị trường lan tỏa tốt hơn tại nhóm vốn hóa lớn khi có sự góp mặt của nhóm Bất động sản và Chứng khoán. Áp lực bán diễn ra mạnh tại nhóm đã có nhịp tăng tốt trước đó. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản chỉ dừng ở mức thấp cho thấy áp lực bên phía cung đang dần vơi bớt.
Do đó, CTCK này duy trì quan điểm chỉ số vẫn còn tiếp diễn biến điều chỉnh và kỳ vọng VN-Index tìm được điểm cân bằng tại vùng 1.260-1.270 điểm (MA20), nhà đầu tư cân nhắc chú ý giải ngân.
Chứng khoán SHS: Xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn tích lũy tích cực trong vùng 1.250 điểm – 1.300 điểm. VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh lại vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này quanh 1.275 điểm, tương ứng đường giá trung bình 20 phiên gần nhất sau khi hướng đến vùng giá 1.300 điểm, là các vùng kháng cự mạnh, đỉnh giá tháng 06/2024, 08/2022.
Áp lực điều chỉnh này đang khá bình thường khi giá giảm, thanh khoản suy giảm nhất là khi VN-Index đã có 07 phiên tăng điểm liên tục. Trường hợp tích cực nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270 - 1.275 điểm thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng kháng cự 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra.
Chứng khoán VDSC: Thị trường tăng điểm bất thành với trạng thái thận trọng trước vùng cản 1.293 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy nguồn cung chưa gây áp lực lớn cho thị trường nhưng dòng tiền hỗ trợ tạm thời hạ nhiệt. Diễn biến điều chỉnh có thể tiếp diễn khi bước vào phiên giao dịch tiếp theo nhưng dự kiến thị trường sẽ được hỗ trợ quanh 1.278 điểm, vùng giằng co trong thời gian gần đây. Tạm thời vẫn có thể kỳ vọng thị trường hồi phục trở lại sau nhịp điều chỉnh hiện tại nhờ tác động hỗ trợ từ diễn biến khởi sắc gần đây.
Xem thêm tại cafef.vn