Góc nhìn đầu tư 2023: Ngành Công nghệ thông tin - Sẽ còn phát triển mạnh
Ngành công nghệ thông tin đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Quá trình phát triển nóng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong những năm tới nhờ vào các chính sách của Chính phủ và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành.
Góc nhìn đầu tư 2023: Ngành Công nghệ thông tin - Sẽ còn phát triển mạnh
Ngành công nghệ thông tin đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Quá trình phát triển nóng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong những năm tới nhờ vào các chính sách của Chính phủ và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành.
Doanh thu tăng trưởng tích cực
Doanh thu ngành công nghiệp ICT có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compound Annual Growth Rate) của giai đoạn 2016 - 2022 ở mức 13.92%. Công nghiệp ICT đã trở thành một trong những ngành có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Điều này giúp Việt Nam chuyển mình thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất công nghệ phần cứng và điện tử - viễn thông.
Số lượng doanh nghiệp trong ngành ICT cũng liên tục tăng qua các năm. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp trong năm 2022 đạt 67,200, tăng 4.2% so với năm 2021.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng thay đổi đã tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn, trong đó chuyển đổi số ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xem là xu hướng tất yếu.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nêu rõ định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Năng lực đổi mới sáng tạo và an toàn thông tin của các quốc gia ASEAN
Nguồn: WIPO và ITU
Cổ phiếu tiêu biểu trong ngành
Kết thúc năm 2022, kết quả kinh doanh của CTCP FPT (HOSE: FPT) rất khả quan và vượt mong đợi của giới đầu tư. Doanh thu đạt hơn 44 ngàn tỷ đồng, tăng trên 23% so với năm trước, đạt 104% kế hoạch năm. Khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy doanh thu của Tập đoàn (đóng góp 58% doanh thu) so với hai mảng còn lại là viễn thông (33%) và giáo dục, đầu tư và khác (9%).
Cụ thể, khối công nghệ thông tin có doanh thu đạt hơn 25.5 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước. Khối viễn thông đạt hơn 14.7 ngàn tỷ đồng; khối giáo dục, đầu tư và khác đạt hơn 3.7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 70%.
Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.6 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước, đạt 100% kế hoạch năm. FPT ghi nhận lãi ròng gần 5.3 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. EPS (thu nhập trên một cổ phiếu) đạt 4,421 đồng, tăng 22%.
Với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, người viết nhận định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong tương lai.
Giá nằm trong góc phần tư tăng trưởng (Leading) khi VS-RS và VS-Mom đều nằm trên 100. Chỉ số VS-RS > 100 cho thấy cổ phiếu đang mạnh hơn thị trường chung (outperform) và VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng này vẫn đang được đẩy cao hơn nữa.
Do FPT đang nằm trong ô Leading nên nhà đầu tư cần tiếp tục nắm giữ và mua thêm.
Nguồn: VietstockFinance
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock