Góc nhìn TTCK tuần 15 - 19/1: Nâng cao quản trị rủi ro danh mục
Trong tuần qua, Bộ Tài chính công bố dự thảo lấy ý kiến đóng góp về sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng. Sớm nhất, Luật thuế này có thể được thông qua tại Kỳ họp quốc hội tháng 10 năm nay và có hiệu lực vào tháng 7/2025.
Các ngành trọng điểm sẽ được loại bỏ khỏi danh sách miễn thuế là phân bón, dịch vụ bưu chính - viễn thông. Khi đó, nhà sản xuất/nhà cung cấp dịch vụ có thể yêu cầu hoàn lại thuế giá trị gia tăng đối với đầu vào.
Việc thay đổi này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty như DPM và DCM, có thể được khấu trừ thuế từ 10% chi phí đầu vào, qua đó giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh so với các DN trong ngành so với các sản phẩm nhập khẩu.
Trong khi đó, đầu vào của các nhà sản xuất NPK chủ yếu là phân bón đơn, BFC và LAS trả 5% giá trị đầu vào và sau đó được hoàn lại tương ứng. Do đó, 2 doanh nghiệp này có thể nhận không nhiều tác động như DCM và DPM.
Đối với DGC, cũng có thể tác động hưởng lợi tương tự từ việc thay đổi thuế giá trị gia tăng, nhưng không quá nhiều do phân bón chỉ chiếm khoảng 13% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, còn một chặng đường dài để những thay đổi trong Luật Thuế giá trị gia tăng chính thức có hiệu lực.
Về thị trường chứng khoán, chỉ số vẫn duy trì quanh 1.155 - 1.165 điểm, nhưng các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa cao. Kết thúc tuần, VN-Index ở mức 1.154,70 điểm, hầu như không đổi so với tuần trước với thanh khoản tăng mạnh. HNX-Index kém tích cực hơn khi giảm 1,05% so với tuần trước về mức 230,31 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên HoSE đạt 98.260,72 tỷ đồng, tăng 10,4% so với tuần trước, duy trì vượt mức trung bình. Trong đó thanh khoản đột biến trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng với khối lượng giao dịch của VN30 tăng mạnh 41,45% so với tuần trước thể hiện dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt và tích cực trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng tuần thứ 2 với giá trị 413,99 tỷ đồng trên HoSE, gia tăng bán ròng khá mạnh trên HNX với giá trị 162,29 tỷ đồng.
Điểm nhấn vẫn nằm ở nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì tăng điểm với thanh khoản cao ở tuần thứ 3 liên tiếp, chiếm 25% giá trị giao dịch toàn thị trường, cao nhất từ quý II/2023 tới nay. Những cổ phiếu có tính dẫn dắt cao trong nhịp tăng lần này, như MBB, BID, CTG, TCB, ACB ghi nhận mức tăng 15-20% so với thời điểm cách đây 1 tháng.
Ngược lại, nhiều nhóm ngành có sự điều chỉnh khá rõ ràng trong phiên giao dịch cuối tuần qua, như bất động sản, FIR (-19,71%), HDG (-7,06%), HDC (-6,69%), HD6 (-6,58%), NHA (-6,21%)..., bất động sản khu công nghiệp GVR (-6,42%), DTD (-5,43%), TIP (-5,24%), SZC (-4,10%)... Các cổ phiếu dầu khí đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh với PSH (-11,36%), PVB (-4,29%), PVC (-4,00%), PVS (-3,66%)… và xu hướng này có thể tiếp diễn tuần sau.
Trong tuần này, tâm điểm sẽ là Kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội, khai mạc ngày 15/1 tới đây với nội dung thảo luận quan trọng liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, tuần này cũng là tuần đáo hạn phái sinh và là thời điểm công bố về thay đổi rổ chỉ số VN30 và VNFinlead.
Dòng tiền đang tập trung cục bộ tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, nên điểm số vẫn đang duy trì tích cực (nhưng lưu ý đã có sự rung lắc ở một số cổ phiếu nhóm ngân hàng), nhưng cơ hội hạn chế cho các nhóm cổ phiếu khác.
Theo đó, tuần này, chỉ thích hợp để nắm giữ và chỉ gia tăng ở những điểm điều chỉnh trở lại, tỷ trọng cổ phiếu nên duy trì ở mức cân bằng hơn và bắt đầu nghĩ đến nhiều hơn về câu chuyện quản trị rủi ro. Với các cổ phiếu trong danh mục, nếu vi phạm xu hướng tăng thì phải quyết liệt hạ tỷ trọng các cổ phiếu này.
Ngắn hạn, thị trường vận động tích cực, nhưng đà tăng đã chững lại và dao động trong biên độ hẹp. VN-Index cũng đã test hỗ trợ 1.150 điểm và có thể tiếp tục rung lắc cũng như chưa thể xác đinh việc VN-Index test hỗ trợ này có thành công hay không. Với động lực vận động trên nền tảng tích lũy ngắn hạn tốt, kỳ vọng vào kịch bản thành công và chỉ số sẽ tiến vào khu vực kỳ vọng tích lũy trung hạn.
Xem thêm tại baodautu.vn