Góc nhìn TTCK tuần 15-19/7: VN-Index có thể điều chỉnh về mức thấp hơn để kích thích lực mua mới
Tuần qua là vùng trống thông tin báo cáo tài chính khi giai đoạn được nhiều doanh nghiệp công bố sẽ vào khoảng từ ngày 15 - 30/7. Có lẽ, đây là lý do khiến VN-Index giao dịch chậm lại trong những phiên cuối tuần, dù phiên ngày 11/7, thị trường chứng khoán thế giới có diễn biến khả quan.
Theo đánh giá của Agriseco Research, chỉ số VN-Index đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp với thanh khoản thấp hơn so với trung bình 5 phiên - đây chỉ là một sự điều chỉnh lành mạnh trong một xu hướng tăng. Dự báo trong tuần giao dịch tới, VN-Index có thể hồi phục khi tìm thấy hỗ trợ quanh khu vực MA20 - tức vùng 1.270 điểm (+-5).
Xu hướng vốn ngoại là vấn đề được quan tâm tuần qua, khi khối này tiếp tục bán ròng.
Tại khu vực châu Á, dòng vốn ngoại đã phân hóa. Các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Thái Lan được giải ngân ròng, trong đó lớn nhất là Nhật Bản với giá trị hơn 4,2 tỷ USD. Chiều ngược lại, vốn ngoại rút khỏi các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Sri Lanka và Việt Nam, trong đó Ấn Độ bị rút mạnh nhất với giá trị hơn 1,1 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nhóm quỹ mở đồng loạt bán ròng trong tuần (từ 8-12/07) với giá trị 1.174 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm các quỹ ETFs đã bán ra 36,6 triệu USD và trở thành nhóm bán ra mạnh nhất. Trong đó, Fubon và DC VFM Diamond rút ròng lần lượt 25,8 triệu USD và 23,5 triệu USD.
Đà bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục trong tuần qua với hơn 4.500 tỷ đồng, tâm điểm vẫn là FPT với giá trị 1.731 tỷ đồng, tiếp theo là MWG và VHM với giá trị bán ròng lần lượt là 644 tỷ đồng và 521 tỷ đồng
Nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là lực lượng đối trọng chính cho đà bán ròng của khối ngoại trong tuần qua với hơn 4.522 tỷ đồng. Tự doanh đã chuyển sang mua ròng hơn 545 tỷ đồng trong tuần sau khi bán ròng hơn 922 tỷ đồng trong tuần trước đó.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, thủy sản, xây dựng đã thu hút được dòng tiền sau thời gian sụt giảm kéo dài. Xu hướng dòng tiền tiếp tục suy yếu ở nhóm ngân hàng và chứng khoán.
Rõ ràng, nhà đầu tư trở nên thận trọng tại ngưỡng kháng cự 1.290 - 1.300 khiến động lượng về thanh khoản suy yếu. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những tuần tới, VN-Index có thể sẽ phải điều chỉnh về mức thấp hơn để kích thích lực mua mới.
Agriseco Research cho rằng, trong bối cảnh thị trường chung có nhiều biến động khó lường khi tiệm cận vùng cản tâm lý 1.300 điểm, để đảm bảo sự ổn định và khả năng phòng thủ tốt hơn cho danh mục đầu tư, thì việc dòng tiền luân chuyển tới những nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh quý II/2024 khả quan là điều hợp lý.
Tuy nhiên, trong từng nhóm ngành vẫn có sự phân hóa mạnh mẽ. Ví dụ, nhóm bán lẻ, mặc dù có sự tăng giá tốt trong thời gian gần đây, nhưng chỉ có MWG là thực sự nổi trội và đóng góp cho đà tăng của thị trường chung. Trong khi đó, một số cổ phiếu còn lại trong nhóm duy trì diễn biến đi ngang hoặc có mức tăng giá chậm hơn đáng kể so với các cổ phiếu khác.
Chất lượng báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ rất quan trọng trong việc xác định diễn biến ngắn hạn của cổ phiếu và các nhóm ngành.
Khi yếu tố kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II qua đi, dòng tiền có thể sẽ tìm đến các nhóm ngành có độ nhạy cao với lãi suất (như bất động sản, chứng khoán) trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang bắt đầu bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Ông Hoàng Tuấn, chuyên gia tư vấn chứng khoán CTCK SSI khuyến nghị, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý nhằm chủ động với những diễn biến của thị trường, dưới 70% cổ phiếu/NAV. Cụ thể, chủ động gia tăng tỷ trọng khi thị trường xuất hiện “ngày bùng nổ”. Kịch bản xác suất thấp - hạ tỷ trọng nếu thị trường đối mặt với lực bán mạnh và đóng cửa thấp nhiên phiên.
Nhóm cổ phiếu có thể quan sát khi kịch bản bùng nổ điểm số xuất hiện như STB, ACB, CTD, HPG, HSG, GMD
Xem thêm tại baodautu.vn