Góc nhìn TTCK tuần 26/2 - 2/3: Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng
Sau khi tăng mạnh lên vùng giá 1.235 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng đỉnh giá tháng 8, 9/2023, VN-Index đã có tuần giao dịch biến động mạnh với 3 phiên liên tiếp biến động hẹp dưới kháng cự 1.235 điểm. Đặc biệt phiên cuối tuần (23/2), phiên đầu tiên của năm 2024 có biến động dữ dội, bất ngờ tăng mạnh đầu phiên, song giảm mạnh cuối phiên.
Cụ thể ở phiên này, cổ phiếu ngân hàng đẩy chỉ số tăng mạnh đầu phiên lên 1.240 điểm, sau đó áp lực bán tăng đột ngột trong phiên chiều, diễn biến điều chỉnh tại nhóm vốn hoá lớn và ngân hàng là nguyên nhân chính khiến khiến VN-Index có phiên giảm điểm mạnh với khổi lượng giao dịch rất đột biến, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu cho thấy áp lực phân phối ngắn hạn mạnh. Kết thúc tuần, VN-Index dừng ở 1.212 điểm, vẫn vượt trên vùng giá tâm lý 1.200 điểm và tăng nhẹ so với cuối tuần trước.
Trong tuần, tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 118.101 tỷ đồng, tăng mạnh và trung bình khối lượng giao dịch gần 1 tỷ cổ phiếu/phiên, trong đó phiên giao dịch 23/02/2024, khối lượng giao dịch lên tới 1,327 tỷ cổ phiếu, cao nhất kể từ phiên ngày 18/8/2023. Diễn biến này kết hợp với phiên giảm điểm mạnh cuối tuần thể hiện rủi ro phân phối ngắn hạn ở nhiều mã/nhóm mã khi VN-Index ở vùng giá 1.235 điểm - 1.240 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài tăng giao dịch trong tuần và bán ròng mạnh 1.456,6 tỷ đồng trên HoSE; bán ròng trên HNX với giá trị 39,69 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm ảnh hưởng lớn đến chỉ số là ngân hàng, có diễn biến phân hoá và thanh khoản đột biến, đã kích thích dòng tiền ngắn hạn xoay vòng gia tăng giao dịch. Nhiều mã vẫn tăng mạnh vượt đỉnh cũ như BID (+7,11%), VAB (+6,25%), TCB (+4,16%)..., còn lại đa số giảm điểm với LPB (-4,74%), HDB (-3,43%), OCB (-3,18%), EIB (-2,65%)...
Chỉ trong phiên cuối tuần, nhiều nhóm cổ phiếu giảm mạnh theo. Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán chủ yếu biến động trong biên độ hẹp kết tuần hầu hết giảm điểm với TVB (-7,44%), APG (5,78%), VND (-4,96%), AGR (-4,34%)..., ngoài IVS (+10,68%), HBS (+3,85%)... Cổ phiếu bất động sản cũng là nhóm có diễn biến kém tích cực nhất so với thị trường chung khi hầu hết giảm điểm, chịu áp lực bán mạnh ở phiên cuối tuần như TCH (-6,20%), DIG (-6,10%), PDR (-5,72%), ITC (-5,24%)... ngoài các mã đột biến tích cực CCL (+13,26%), VRE (+13,11%), PXL (+10,71%)...
Điểm sáng hơn là ở cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su, mặc dù chiụ áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng kết thúc tuần nhiều mã vẫn tăng giá tốt, nổi bật với TIP (+6,83%), IDV (+6,70%), GVR (+3,38%)... trái ngược với LHG (-2,87%), DPR (-2,72%), KBC (-2,70%)...
Theo ý kiến chuyên gia, đây là giai đoạn điều chỉnh có thể là nhịp lành mạnh trước khi thị trường cân bằng sớm, theo đó, đây cũng là những thời cơ gia tăng cổ phiếu trở lại. Bên cạnh đó, biến động cần cân nhắc đó là sự gia tăng thanh khoản thị trường cân bằng ở cả nhóm vốn hoá lớn và trở lại với cả nhóm vốn hoá trung bình, khác với đầu tháng 1/2024, thanh khoản tập trung chính, gia tăng ở VN30 và bluechip, thì trong 2-3 tuần qua, đi cùng với sự gia tăng điểm số thị trường là sự cân bằng khi dòng tiền cũng tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành khác ngoài VN30 và ngân hàng.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường đã tiệm cận cản mạnh 1.250 điểm và điều chỉnh đúng. Ngưỡng hỗ trợ tâm lý của chỉ số là vùng 1.200 điểm trong nhịp điều chỉnh này. Dù thị trường vẫn có khả năng có nhịp hồi, nhưng cần chú ý, do phiên thứ 6 mới là phiên điều chỉnh đầu tiên, nên dự báo vẫn còn rung lắc.
Tổng kết lại, dù xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được duy trì và sau khi bứt phá vùng cản tâm lý tại 1.200 điểm, VN-Index vẫn chưa hề có nhịp kiểm định lại vùng hỗ trợ này. Do đó, vận động chậm lại và điều chỉnh để kiểm định lại vùng hỗ trợ này được đánh giá là hợp lý. Diễn biến rung lắc, điều chỉnh vẫn còn khả năng tái diễn trong các phiên tới, nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại, bởi VN-Index đang vận động ở vùng điểm số cao trong kênh tích lũy trung hạn và đã phát tín hiệu điều chỉnh, nên rủi ro ngắn hạn đang tăng lên.
Vì vậy, các vị thế mua mới nên chú ý đến những thay đổi trạng thái này của thị trường để tối ưu các vị thế giao dịch thay vì bị yếu tố cảm xúc và trạng thái FOMO để ảnh hưởng tới quyết định đầu tư. Dự báo, dòng tiền sẽ tiếp tục xoay vòng quanh các nhóm cổ phiếu thuộc các ngành có nền tảng cơ bản tích cực và tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024 như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, hóa chất, dầu khí...
Xem thêm tại baodautu.vn