Gói kích cầu kinh tế của Trung Quốc tác động ra sao đến doanh nghiệp Việt Nam?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa công bố loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế, quy mô lớn nhất từ đại dịch Covid 19, lãi suất điều hành, cho vay được điều chỉnh, lãi vay mua nhà, tỷ lệ chi trả tối thiểu khoản vay mua nhà thứ hai đều giảm. Ngoài ra, PBOC cũng cho phép các công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư tiếp cận nguồn vốn để mua cổ phiếu, trái phiếu.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 170 tỷ USD năm ngoái. Đây cũng là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam với với 43,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 1% so với cùng kỳ.

Ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD trong 9 tháng qua. Vì thế, giới phân tích, doanh nghiệp dự báo những chính sách trên sẽ có những tác động nhất định tới xuất nhập khẩu và nền kinh tế Việt Nam.

Theo nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank, Kinh tế Trung Quốc chậm lại rõ nét trong thời gian qua, đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn bởi thị trường bất động sản. Gói kích thích kinh tế của Trung Quốc bao gồm cả 2 yếu tố, một là hạ lãi suất, hai là hạ cả dự trữ bắt buộc, bơm thanh khoản vào thị trường. Đồng thời, Trung Quốc cũng hỗ trợ nhu cầu mua đối với căn nhà chưa được bán để giải quyết tồn kho.

-7308-1728362492.jpg

Trong 9 tháng đầu năm 2024, nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36%.

“Sau những chính sách vừa qua, giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu chạm đáy và tăng trưởng lại, đặc biệt là thép. Đây là cú hích giúp giá hàng hóa phục hồi trở lại”, ông Sơn nhận định.

Theo chuyên gia này, hai nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi là thép và nguyên liệu thô như nông sản.

Ngành thép Việt Nam sẽ có diễn biến tích cực hơn khi mà giá trên toàn cầu có dấu hiệu phục hồi và ngành thép Trung Quốc tái cấu trúc thành công khi nửa đầu năm nay thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm, nhu cầu thấp, doanh nghiệp thép nước này đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực, dẫn tới giá giảm sâu, áp lực cạnh tranh tăng vọt.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm thép là mặt hàng đứng thứ 5 về quy mô nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, hơn 4,7 tỷ USD, tăng 44% cùng kỳ năm trước. Do vậy, giá thép trong nước thời gian qua giảm mạnh. Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), giá thép xây dựng và thép cán nóng (HRC) tháng 8 giảm lần lượt 24% và 21% so với đầu năm. Đây là ngưỡng thấp nhất 5 năm.

Giám đốc một doanh nghiệp thép đánh giá các nhóm giải pháp của Trung Quốc tập trung vào nới lỏng chính sách tiền tệ hay hỗ trợ thị trường nhà ở đều kỳ vọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản, ngành xây dựng và vật liệu của quốc gia này. Nhu cầu vật liệu xây dựng như thép có thể tăng lên từ vùng đáy, có thể giúp lĩnh vực này "ấm hơn", tiêu thụ thép tại Trung Quốc tăng lên. "Doanh nghiệp thép Trung Quốc không còn quá áp lực trong việc phải đẩy hàng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam", lãnh đạo này cho biết.

Minh chứng cho thấy, trong tháng 9, giá thép xây dựng Trung Quốc đã tăng 4% so với mức đáy vào tháng 8. Theo đó, các chuyên gia dự báo, giá thép xây dựng và HRC tại thị trường Việt Nam sẽ có sự phục hồi tích cực từ quý IV/2024, với mức tăng lần lượt 7% và 6%.

Dựa trên điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay, các chuyên gia nhận định 8 doanh nghiệp tiêu biểu có thể hưởng lợi từ tác động lan toả của việc Trung Quốc kích thích kinh tế, gồm: Tập đoàn Hoà Phát (HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong ngành thép; Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, PVD) trong ngành dầu khí; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) và Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) trong ngành cao su; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) và Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) trong ngành thuỷ sản.

Với ngành xuất khẩu nguyên liệu thô, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu đứng đầu tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cũng có thể tăng cường xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc như nông sản. Trong 9 tháng đầu năm 2024, nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36%.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm của Việt Nam và kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Hiện Trung Quốc đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch đạt 9,26 tỷ USD, chiếm 20%.

Với các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế, kích thích cầu tiêu dùng, kỳ vọng các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như nông sản, các loại thuỷ sản gồm: cá tra, tôm… sẽ được hưởng lợi và tiếp tục cải thiện.

Đại diện Công ty cổ phần Nam Việt cho biết: Triển vọng đơn hàng nửa cuối năm nay đang tích cực hơn so với nửa đầu năm khi sức mua tại Trung Quốc dần hồi phục. Công ty đã mở rộng tệp khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu, bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải.

Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, công ty đưa ra dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng nhu cầu cao tại Trung Quốc. Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5-2 kg). Đây là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc cho nên cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu là rất lớn.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc thêm gói kích thích kinh tế, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, mà doanh nghiệp nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào da giày, dệt may cũng có tác động tích cực.

Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định: “Với kỳ vọng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi sẽ giúp chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu được tiết giảm, hỗ trợ chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam”.

Giá một số nguyên vật liệu đầu vào có thể giảm khi sản xuất Trung Quốc phục hồi. Theo Tổng cục Hải Quan, trong số 5 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ nước láng giềng, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày đứng thứ ba với quy mô gần 10,2 tỷ USD trong 8 tháng.

Chi phí vật tư của ngành da giày chiếm khoảng 48-50% giá thành sản xuất. Vì thế, việc giảm chi phí này giúp các doanh nghiệp da giày tăng năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh ngành gặp khó nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến câu chuyện nhập siêu từ Trung Quốc.

"Khi hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế, sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các công ty Việt sẽ vất vả hơn để kinh doanh chưa kể có khả năng phải giảm biên lợi vì phải giảm giá để cạnh tranh với hàng Trung Quốc", một chuyên gia nhận định.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn