Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp nào sẽ được 'hưởng lợi'?

Vì đâu có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng?

Vừa qua, NHNN đã công bố sẽ sớm tung ra gói tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho 2 nhóm lĩnh vực chính, bao gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.

Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp nằm trong danh sách hưởng gói tín dụng này gồm có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ và trường đại học. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (big data), vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và các giải pháp chuyển đổi số.

Trong khi đó, ở lĩnh vực hạ tầng chiến lược, gói tín dụng sẽ hỗ trợ cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng số lẫn hạ tầng vật lý, bao gồm các dự án xây dựng cao tốc, cảng biển, sân bay, trung tâm logistics, mạng lưới 5G, trung tâm dữ liệu và hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược là 2 nhóm đối tượng chính của gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.

Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về lãi suất, điều kiện vay hay danh sách các ngân hàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với quyết tâm rõ rệt từ phía Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng quy mô lớn này được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai thực tế, trở thành nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Thực tế, trong một chia sẻ trước đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) lúc bấy giờ là ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ đang giảm dần. Thực tiễn này đi ngược lại với Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Còn theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2023, tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Trong năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%, trong khi năm 2017 tỷ lệ này là 1,18%. Theo số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tổng ngân sách sự nghiệp chi cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 – 2020 là 10.627,7 tỷ đồng - một con số khá khiêm tốn nếu đặt trong bối cảnh cuộc đua đổi mới sáng tạo đang diễn ra rầm rộ trên bình diện khu vực và toàn cầu.

Không chỉ có khoa học – công nghệ, lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng rơi vào tình trạng tương tự khi tỷ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 70 – 80% ngân sách. Trong khi đó, với đặc trưng cho vay trong thời hạn khá dài, việc thu hồi nợ chủ yếu dựa trên dòng tiền, cơ sở hạ tầng không phải "miếng bánh" hấp dẫn với các ngân hàng thương mại – vốn thường ưu tiên tín dụng ngắn hạn. Sự e dè này càng làm lộ rõ khoảng trống trong chiến lược phát triển dài hạn, khi cả hai lĩnh vực then chốt – khoa học và hạ tầng – đều đang thiếu vắng nguồn lực tài chính đủ mạnh để tạo đột phá.

Những ngân hàng nào sẽ tham gia?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sẽ chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ cân đối nguồn vốn huy động để cho vay phù hợp. Các khoản vay trong khuôn khổ gói tín dụng vẫn phải đảm bảo điều kiện tín dụng, không hạ chuẩn, nhưng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, cơ chế đồng tài trợ… Đặc biệt, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần phát huy vai trò dẫn dắt, thể hiện trách nhiệm cao hơn với nền kinh tế.

Theo giới phân tích, NHNN sẽ sử dụng hệ thống ngân hàng thương mại làm “cánh tay nối dài”, đặc biệt là các ngân hàng Big4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng TMCP có tiềm lực vốn lớn như MB, Techcombank, ACB, TPBank,…

Nhiều ngân hàng cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào gói tín dụng 500.000 tỷ đồng này. Đại diện VIB cho biết, ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường.

Một trong những lý do để các ngân hàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng này là có động lực tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Báo cáo của nhiều công ty chứng khoán cũng chỉ ra, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một trong những động lực thúc đẩy cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của toàn ngành ngân hàng nói chung và của các ngân hàng nói riêng. Thậm chí, một số ngân hàng coi tín dụng hạ tầng là một trong các mục tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research cho rằng, trước đây, cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Tuy nhiên, với chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ, thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, tạo động lực cho ngân hàng đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Theo giới phân tích, khả năng cao NHNN sẽ có động thái hỗ trợ, “tiếp vốn giá rẻ” cho các ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng này thông qua việc cho vay với lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn thấp hơn đồng thời hỗ trợ vấn đề thanh khoản qua hệ thống, như “bơm tiền” qua OMO. Việc được vay vốn rẻ từ NHNN giúp các ngân hàng có chi phí vốn tốt hơn, cải thiện NIM tương lai.

Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng tham gia gói tín dụng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng những cơ chế riêng biệt, rõ ràng và đầy đủ. Ở góc độ người cho vay, Agribank cũng kiến nghị cần xác định rõ ràng trách nhiệm giữa các bên trong quá trình cho vay nhằm tạo sự yên tâm và khuyến khích ngân hàng mạnh dạn tham gia gói tín dụng.

Đại diện Vietcombank cũng đề xuất, để thúc đẩy hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên – nhất là doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần xem xét cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích thay vì chỉ áp dụng hình thức cho vay truyền thống vốn ít phù hợp với đặc thù rủi ro cao, thiếu tài sản bảo đảm của nhóm doanh nghiệp này.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng dù gói tín dụng mang lại triển vọng tích cực song nếu không kiểm soát tốt có thể tiềm ẩn rủi ro tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực nhất định, điển hình là bất động sản vệ tinh hưởng lợi từ phát triển hạ tầng. Do đó, các ngân hàng cần thận trọng đánh giá tính khả thi và hiệu quả của từng dự án, tránh rơi vào xu hướng cho vay “sân sau”, dẫn đến méo mó mục tiêu hỗ trợ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận tín dụng, tránh tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ – đối tượng cần vốn nhất – lại bị bỏ lại phía sau.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn