Hà Đô (HDG) xem xét tăng mạnh công suất điện gió: Các dự án năng lượng mới có gì đặc biệt?

Sau khi chịu ảnh hưởng từ chu kỳ El Nino, đặc biệt từ cuối năm 2023, sản lượng thủy điện của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể từ giữa năm 2024. Nhờ đó, lãi ròng quý III/2024 của tập đoàn đã tăng mạnh 83% so với cùng kỳ, đạt 182 tỷ đồng.

Theo nhận định từ Chứng khoán Vietcombank, mảng năng lượng của Hà Đô vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn. Đối với lĩnh vực thủy điện, công suất dự kiến sẽ mở rộng nhờ hai nhà máy mới mà tập đoàn mua lại vào năm 2023, gồm Thủy điện Sơn Linh (15MW) và Thủy điện Sơn Nham (9MW). Hai nhà máy này dự kiến sẽ đi vào vận hành từ cuối năm 2026, đóng góp khoảng 64 triệu kWh sản lượng điện mỗi năm.

Hà Đô (HDG) xem xét tăng mạnh công suất điện gió: Các dự án năng lượng mới có gì đặc biệt?
Kế hoạch đầu tư các dự án điện gió mới của Hà Đô. Nguồn: Chứng khoán Vietcombank

Bên cạnh đó, giá bán điện trên thị trường được dự báo còn tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ nhu cầu ngày càng cao trong khi nguồn cung giá rẻ hạn chế. Hiện tại, Hà Đô đang vận hành 5 nhà máy thủy điện với tổng công suất 314MW, tập trung tại Nghệ An và Quảng Nam.

Trong dài hạn, lĩnh vực điện gió và điện mặt trời sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Tập đoàn Hà Đô. Với mảng điện gió, tập đoàn đang xem xét mở rộng công suất mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030 thông qua một loạt dự án mới.

Trong số này, dự án Điện gió Phước Hữu (50MW) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, còn dự án Điện gió Bình Gia (80MW) tại Lạng Sơn đã nhận được biên bản ghi nhớ đầu tư từ cơ quan chức năng. Hiện tại, Hà Đô đang vận hành Nhà máy Điện gió 7A (50MW) tại tỉnh Ninh Thuận.

Về điện mặt trời, tập đoàn đang đối mặt một số vướng mắc pháp lý với hai dự án là Nhà máy Hồng Phong 4 do xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản titan, và Nhà máy SP INFRA 1 thuộc nhóm 14 dự án áp dụng giá FiT 1 không đúng đối tượng.

Chứng khoán Vietcombank nhận định rằng các vấn đề pháp lý này tiềm ẩn rủi ro liên quan đến giá phát điện, nhưng về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng phát điện của những nhà máy này.

Tiềm năng dài hạn của mảng năng lượng tái tạo được đánh giá rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh công suất thủy điện đang dần đến ngưỡng và bị hạn chế. Các chính sách năng lượng của Việt Nam cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để các dự án năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ hơn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn