Lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. |
Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, TP. Hà Nội, quyết định chấp thuận chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh. Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45ha, gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 179,1ha và giai đoạn 2 là 120,35ha. Trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 6.338,478 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.267,696 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Địa điểm thực hiện dự án ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nôn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu mà Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra là phát triển từ 2-5 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, góp phần phát triển các làng nghề trong thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị, tập trung rà soát các khu công nghiệp để kiểm tra có đúng quy hoạch không, chủ đầu tư phải có kế hoạch đầu tư nâng cấp các khu xuống cấp; bảo đảm các môi trường làm việc sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo tâm lý làm việc phấn khởi cho công nhân. Với tinh thần phát triển sản xuất công nghiệp như vậy mới xứng tầm Thủ đô.
Với mong muốn phát triển khu công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị huyện Đông Anh đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, rà soát các vấn đề hạ tầng, đảm bảo thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư rà soát lại nhân lực lao động, có các phương án đào tạo để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại khu công nghiệp.
Hà Nội đang có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng chưa phát triển xứng tầm với việc phát triển công nghiệp Thủ đô. Quan điểm của thành phố là phát triển các khu công nghiệp quanh vành đai, hướng về sân bay, các cảng với quy mô lớn, được đồng bộ từ khu sản xuất, khu đô thị, nhà ở cho chuyên gia, công nhân, khu dịch vụ, hạ tầng xã hội… |