Hà Nội dự kiến mở rộng Vành đai 2 dưới thấp đoạn đường Láng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 97%
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP. Hà Nội việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng).
Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP. Hà Nội xem xét, tách dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy thành hai dự án độc lập, đồng thời thực hiện trước phần đường Vành đai 2 dưới thấp.
Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy là một trong các dự án giao thông (thuộc nhóm dự án đầu tư công) đang được Sở Giao thông vận tải Hà Nội lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp có điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở; điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy.
Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 dưới thấp, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có tổng chiều dài khoảng 3,8km, quy mô mặt cắt ngang 53,5m. Tổng mức đầu tư (dự kiến) là 17.241 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm gần 97%.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 dưới thấp, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở; điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy.
Công trình có tổng chiều dài khoảng 3,8km, quy mô mặt cắt ngang 53,5m, là đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80km/h.
Các hạng mục đầu tư chủ yếu gồm giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, nền mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật...; nghiên cứu đồng bộ các nút giao.
Đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tổng mức đầu tư (dự kiến) là 17.241 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 trên cao xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở; điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao (cầu cạn) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy với tổng chiều dài khoảng 3,8km, quy mô mặt cắt ngang 19m; là đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80km/h, nghiên cứu đồng bộ các nút giao theo quy hoạch. Đây là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư (dự kiến) là 3.895 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, do tổng mức đầu tư 2 dự án trên 20.000 tỷ đồng, cơ quan này đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét tách thành 2 dự án đầu tư (dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy) và đề xuất thực hiện trước phần đường Vành đai 2 dưới thấp.
Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.
Trước đó, dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở được thông xe đầu năm 2023. Dự án có chiều dài 5,08km, tuyến đường có mặt cắt ngang đường trên cao 19m và phần đi bằng (dưới thấp) từ 53,5-63,5m. Tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng, đầu tư theo loại hợp đồng BT, do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP là chủ đầu tư. Việc đưa vào khai thác tuyến đường Vành đai 2 trên cao khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến.
Hiện Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài gần 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.
Xem thêm tại vneconomy.vn