Hà Nội sắp có 'siêu' cầu 8.300 tỷ bắc qua sông Hồng, nối Bắc Từ Liêm với 'thành phố trong Thủ đô'
Cầu Thượng Cát là một trong những cây cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Vị trí cầu dự kiến cách cầu Thăng Long khoảng 5-6 km.
Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 5,2km. Trong đó, chiều dài chính của cầu là 820 m, bề rộng khoảng 33 m, thiết kế 8 làn xe, đường hai đầu cầu rộng 50-60m. Cầu sẽ nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Theo kế hoạch, cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp 10/10/2024 để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Theo quy hoạch, đường dẫn lên cầu Thượng Cát nằm gần Khu công nghiệp Thăng Long và trường tiểu học Đại Mạch. Điểm cuối của cầu tại KM8+724, đường dẫn lên cầu Thượng Cát đấu nối vào đường Khu công nghiệp Thăng Long (Quốc lộ 5 kéo dài).
Để phục vụ cho kế hoạch xây dựng cầu Thượng Cát, vào cuối năm 2023, thành phố Hà Nội đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát. Theo đó, phương án TC-03 mang tên "Cánh chim hòa bình" do liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP và Công ty cổ phần Kiến trúc Lập Phương thiết kế đã đoạt giải nhất.
Mang vị trí đầu nguồn của chuỗi những cây cầu bắc ngang sông Hồng, cầu Thượng Cát hướng đến hình tượng lớn, mang biểu tượng lớn thể hiện được tinh thần Thủ đô - một thành phố thân thiện, hiếu khách và hòa bình.
Nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống giao thông, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5, đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 (phía quận Bắc Từ Liêm) với mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng. Khi cầu Thượng Cát được đưa vào ưu thông sẽ góp phần giải quyết "bài toán" ùn tắc của giao thông Thủ đô khi giảm tải lưu lượng cho nhiều tuyến đường như đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng, mở thêm đường kết nối phía Tây và Tây Nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía Bắc và Nam sông Hồng... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 6 cầu đường bộ qua sông Hồng được xây mới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp); Thượng Cát và Ngọc Hồi trên Vành đai 3,5 (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Theo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 được HĐND TP. Hà Nội thông qua, Hà Nội ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây. Cụ thể, thành phố phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và Đông Anh.
Như vậy, sau khi huyện Đông Anh lên quận sẽ tiếp tục chuẩn bị trở thành một phần của thành phố phía Bắc theo mô hình “thành phố trong Thủ đô”.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn