Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III, nối dài chuỗi thua lỗ lên 14 quý liên tiếp.
Cụ thể, quý vừa qua, HAGL Agrico đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần (thấp hơn cùng kỳ 12%), lỗ ròng 182 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng). Đây cũng là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của HAGL Agrico (quý I/2021 là thời điểm gần nhất HAGL Agrico có lãi).
Theo giải trình của HAGL Agrico, doanh thu cây ăn trái kỳ này chỉ đạt 50 tỷ đồng khi sản lượng chỉ đạt 2.903 tấn, giảm 56% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích vườn chuối thu hoạch trong kỳ giảm so với cùng kỳ (từ 1.920 ha giảm còn 494 ha), do diện tích vườn chuối trồng lâu năm, chất lượng và năng suất không còn đạt hiệu quả nên công ty phải dừng chăm sóc để tập trung làm lại mặt bằng, cải tạo vườn cây để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
HAGL Agrico nối dài chuỗi thua lỗ lên 14 quý liên tiếp. |
Công ty đang triển khai mô hình xí nghiệp với việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cơ giới hóa, áp dụng quy trình kỹ thuật mới để ổn định về sản lượng, nâng cao năng suất và chất lượng mang lại hiệu quả trong thời gian tới.
Về cây cao su, sản lượng quý III là 2.401 tấn, doanh thu đạt gần 90 tỷ đồng. Công ty cho biết, tổng diện tích vườn cao su đã trồng hoàn thiện là 15.192 ha, tuy nhiên diện tích có thể khai thác hiệu quả chỉ đạt 4.932 ha.
Một nguyên nhân khác khiến HAGL Agrico thua lỗ là chi phí tài chính phát sinh hơn 116 tỷ đồng trong kỳ. Trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ có gốc ngoại tệ là 54 tỷ đồng, chi phí lãi vay phát sinh từ gốc vay trước đây của các dự án cao su, cọ dầu là 62 tỷ đồng.
Khoản lỗ quý III đào sâu thêm kết quả lũy kế của HAGL Agrico. 9 tháng đầu năm, công ty đạt 288 tỷ đồng doanh thu thuần (thấp hơn cùng kỳ 34%), lỗ trước thuế 549 tỷ và và lỗ ròng hơn 546 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 446 tỷ).
Tại thời điểm 30/10, tổng tài sản của HAGL Agrico đạt gần 16.000 tỷ đồng, hơn đầu năm 13%, trong đó gần 2.580 tỷ là tài sản ngắn hạn. Lượng tiền mặt nắm giữ ghi nhận 108 tỷ đồng, tăng 42%. Giá trị hàng tồn kho tăng 13%, lên hơn 2.100 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm phần lớn nợ phải trả, lên tới gần 12.500 tỷ đồng, tăng 30%.