HAGL kỳ vọng xoá lỗ luỹ kế trong năm 2024
Ngày 1/4, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (mã: HAGL) đưa vào sử dụng bộ nhận diện thương hiệu mới, lần đầu tiên sau 30 năm có sự thay đổi, đánh dấu cho chặng đường với sự đồng hành của đối tác mới.
Logo mới của HAGL không thay đổi về mặt thiết kế nhưng màu sắc chuyển sang 3 màu chủ đạo vàng, nâu đất và trắng. Màu sắc khá tương đồng với logo mới của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – LPBank (mã: LPB), thay đổi từ giữa 2023 hay Thaigroup, Thaiholdings.
Mối quan hệ giữa 2 bên bắt đầu từ cái bắt tay hợp tác chiến lược toàn diện giữa LPBank và Học viện Bóng đá và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai vào tháng 11 năm ngoái.
Tại buổi lễ ký hợp tác, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL đã bày tỏ “gần 10 năm, từ 2016 đến 2023, tập đoàn không vay mượn được đồng nào. Buổi lễ ký hợp tác với LPBank không hẳn là vay tiền, nhưng chúng tôi muốn có một chỗ dựa, một niềm tin vật chất, ít ra người ta thấy cũng có người chơi với mình, chứ không như người ta nghĩ mình là doanh nghiệp xấu”.
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2023, doanh nghiệp của bầu Đức phát sinh khoản vay ngắn hạn 750 tỷ đồng với LPBank (chi nhánh Gia Lai), lãi suất 10,15%.
Vào tháng 3 vừa qua, LPBank và HAGL ký hợp đồng tài trợ 5.000 tỷ đồng. Ở giai đoạn 1, LPBank sẽ giải ngân 3.000 tỷ để tập đoàn đầu tư trồng mới, chăm sóc, phát triển 3 sản phẩm chủ lực gồm chuối, sầu riêng và chăn nuôi heo.
Không chỉ cho vay, các doanh nghiệp có mối liên quan với LPBank như Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup sẽ rót hơn 1.000 tỷ đồng vào HAGL trong đợt phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp đang triển khai.
3 trụ cột chuối – sầu riêng - heo ăn chuối
Khởi thủy của Hoàng Anh Gia Lai là nhà máy chế biến gỗ. Qua thời gian, doanh nghiệp phát triển thêm trồng trọt (cao su, cọ dầu…), thủy điện, khoáng sản, bất động sản, bóng đá, bệnh viện… Hoạt động kinh doanh của HAGL sa sút dần từ 2015 với gánh nặng nợ lớn, thu đồng nào là trả nợ ngân hàng đồng đó, thiếu nguồn vốn tái đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp đã thoái vốn nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, HAGL chỉ còn tập trung vào phát triển 3 sản phẩm chính gồm chuối, sầu riêng và nuôi heo ăn chuối. Trong đó, mảng chuối đem lại nguồn thu ổn định trong khi mảng heo thách thức và mảng sầu riêng mới phát triển.
Cụ thể, năm 2023, mảng chuối mang về cho tập đoàn gần 3.200 tỷ đồng, tăng 48% so với 2022; lợi nhuận gộp gần 1.200 tỷ đồng, gấp đôi. Cho đến 2 tháng đầu năm nay, mảng chuối vẫn đang là trụ cột chính khi đem về 630 tỷ đồng, đóng góp 60% tổng doanh thu.
Ở mảng heo ăn chuối, doanh nghiệp của bầu Đức từng rất kỳ vọng do chi phí thấp khi tận dụng chuối thải loại để nuôi heo. Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu nuôi 1 triệu con heo ăn chuối và phát triển trên dưới 1.000 cửa hàng Bapi Food.
Tuy nhiên, diễn biến giá thịt heo không thuận lợi, có thời điểm xuống dưới 49.000 đồng/kg khiến doanh nghiệp nuôi heo nói chung và HAGL nói riêng không còn lợi nhuận. Năm 2023, mảng này chỉ mang về cho tập đoàn 30 tỷ đồng lợi nhuận gộp, bằng 1/10 năm 2022. Riêng quý cuối năm 2023, tập đoàn bị lỗ 130 tỷ đồng mảng chăn nuôi.
Trong 2 tháng đầu năm nay, tập đoàn chỉ ghi nhận 201 tỷ đồng từ nuôi heo. Nguyên nhân là do giá tiêu thụ trên thị trường năm 2023 duy trì mức thấp, công ty hạn chế tăng đàn.
Mặt khác, vào cuối 2023, tập đoàn công bố thoái vốn khỏi công ty phân phối thịt heo ăn chuối là Công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Giai Lai.
Mảng sầu riêng tập đoàn mới phát triển. Doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu sẽ đột biến vào nửa cuối năm khi chính thức khai thác một phần diện tích sầu riêng. Sầu riêng trồng tại Việt Nam (vụ chính) sẽ có doanh thu vào tháng 8 – 9 và sầu riêng trồng tại lào (trái vụ) sẽ có từ tháng 10 đến tháng 12.
Mục tiêu xóa lỗ lũy kế và sạch nợ vào năm sau
Từng gánh khoản nợ khủng hơn 27.000 tỷ đồng tính đến cuối 2016, qua 7 năm, HAGL đã rất nỗ lực trả nợ giảm về 7.869 tỷ đồng vào cuối 2023. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính vẫn chưa thực sự tốt, công ty còn lỗ lũy kế 1.669 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 942 tỷ đồng. HAGL bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Lãnh đạo HAGL cho biết năm qua đã tất toán khoản vay lâu năm, được miễn giảm lãi phải trả với giá trị lớn. Công ty tiếp tục làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan, đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ đến hạn.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh từ heo, chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn, nguồn thu huy động từ phát hành riêng lẻ giúp tập đoàn thanh toán một số khoản vay. Đồng thời, dòng tiền giải ngân từ LPBank cũng giúp HAGL có tiền tái đầu tư.
Chủ nợ lớn nhất của HAGL vẫn là BIDV với 4.671 tỷ đồng trái phiếu (gồm 1.458 tỷ nợ gốc và 3.023 tỷ lãi), đáo hạn cuối năm 2026. Tập đoàn cam kết sẽ trả trong quý II năm nay, nguồn tiền từ khoản nợ của nhóm HNG (đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của công ty.
Vào buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần nhất diễn ra tháng 12/2023, Chủ tịch HAGL khẳng định sẽ hết lỗ lũy kế trong năm nay và hết nợ vào 2025.
Song song đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng, đến 2026 tạo lập được diện tích trồng chuối, sầu riêng và những cây có giá trị kinh tế khác lên 25.000 ha tại Việt Nam, riêng trồng chuối là trên 10.000 ha.
Xem thêm tại nhadautu.vn