Hai ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất tiết kiệm, ngược với xu hướng chung

Ngày 7/8, ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) đã đồng loạt giảm lãi suất 0,25 điểm % ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, theo biểu lãi suất tiết kiệm bậc thang, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 100 triệu đến dưới 500 triệu, lãi suất các kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,25 điểm % xuống 2,95%/năm. 

Tương tự, lãi suất từ 3 đến 5 tháng giảm xuống 3,45%/năm, lãi suất 6 tháng ở mức 4,15%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được SeABank niêm yết ở mức 5%. Đối với kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi chỉ còn 5,75%/năm, giảm 0,25 điểm %. 

Với các khoản tiết kiệm có quy mô từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ, lãi suất được cộng thêm 0,05 điểm % so với lãi suất cho tiền gửi từ 100 triệu đến dưới 500 triệu; từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ cộng thêm 0,1 điểm %; từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ là 0,15 điểm % và 10 tỷ trở lên là 0,2 điểm %. 

Như vậy, lãi suất cao nhất tại SeABank đang ở mức 5,95 %/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, với khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng. Trước đó trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8, lãi suất cao nhất của SeABank từng ở mức 6,2%/năm. 

Trước đó, theo biểu lãi suất cập nhật ngày 30/7, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) cũng đã giảm lãi suất 0,2 - 0,3 điểm % ở một số kỳ hạn với hình thức gửi tiền online. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng được giảm 0,1 điểm % xuống 4%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 5,3%/năm, còn lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,2 điểm xuống xuống 5,5%/năm.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, ABBank cũng đã điều chỉnh lãi suất xuống mức 6%/năm, giảm 0,2 điểm %. Lãi suất kỳ hạn dài hơn được giữ nguyên ở mức 5,7%. Hiện nay, ABBank vẫn là ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất, tiếp đến là SeABank. 

Theo tổng hợp, trong khoảng thời gian giữa tháng 8 và tháng 7, đã có 15 ngân hàng nâng lãi suất tiết kiệm, trong đó đáng chú ý nhất là động thái nâng lãi suất thêm 0,1 điểm % tại một số kỳ hạn của ông lớn Agribank. Đây là động thái nâng lãi suất tại quầy đầu tiên của một ngân hàng quốc doanh kể từ cuối 2022. 

Lãi suất của nhóm ngân hàng cổ phần lớn và nhóm cổ phần khác đã lên ngang với đầu năm. (Ảnh: WiChart).

Thống kê từ WiChart cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn hiện tại đã lên 4,8%/năm, tăng 0,45 điểm % so với đáy ghi nhận vào cuối tháng 3. 

Trong khi đó, lãi suất huy động nhóm ngân hàng thương mại khác (là các ngân hàng vừa và nhỏ) đã tăng thêm 0,65 điểm %, lên 5,17%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm quốc doanh vẫn duy trì ở đáy nhiều năm là 4,68%/năm.

Theo dự báo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5 - 1 điểm %.

"Sự thay đổi từ lãi suất huy động sang lãi suất cho vay luôn có độ trễ, do đó, chúng tôi cho rằng việc lãi suất huy động tăng trở lại có thể sẽ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến đà giảm của lãi suất cho vay, ít nhất là cho đến cuối năm 2024", VDSC nhận định.

Xem thêm tại vietnambiz.vn