Hai ngân hàng cùng rao bán khoản nợ hàng nghìn tỷ được bảo đảm bằng dự án Kenton Node

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây Dựng Sản Xuất Thương Mại Tài Nguyên (Công ty Tài nguyên).

Theo thông báo ngày 13/11 của BIDV, tổng dư nợ tính đến ngày 26/07/2024 của Công ty Tài Nguyên là gần 5.721 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc hơn 2.506 tỷ đồng, còn dư nợ lãi gần 3.215 tỷ đồng. Tiền lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 27/07/2024 cho đến khi Công ty Tài nguyên thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại BIDV.

Tài sản bảo đảm liên quan đến khoản vay bao gồm: quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án khu dân cư Phước Nguyên Hưng (nay là dự án Kenton Node) thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM – hợp đồng thế chấp dự án được Công ty Tài nguyên ký với 3 ngân hàng; quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, TP Hà Nội – hợp đồng thế chấp được ký giữa Công ty Tài nguyên, Công ty TNHH Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Hà Tây và BIDV chi nhánh Sở Giao Dịch 2.

Hai ngân hàng cùng rao bán khoản nợ hàng nghìn tỷ được bảo đảm bằng dự án Kenton Node- Ảnh 1.

Dự án Kenton Node bị "treo" nhiều năm qua

BIDV đấu giá khoản nợ trên với mức khởi điểm 4.419 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký, tiền án phí cùng với các chi phí liên quan đến các vụ án tranh chấp và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu; việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT). Mức giá này đã giảm khoảng 1.300 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên, cách đây hơn 3 tháng. Bên tham gia đấu giá cần đặt trước 10%, tương đương 441,9 tỷ đồng.

Được biết, BIDV đã khởi kiện Công ty Tài nguyên tại Tòa án nhân dân quận 1, TPHCM theo đơn khởi kiện ngày 22/02/2022. Tòa án sau đó đã có thông báo thụ lý vụ án về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng, BIDV thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án với số tiền gần 2,4 tỷ đồng.

Ngày 23/04/2024, Tòa án nhân nhân Quận 1 đã có Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo đó tạm đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý giữa BIDV và Công ty Tài nguyên.

Ngoài BIDV, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng thông báo chào bán khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay theo Hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán trái phiếu ký giữa MSB và Công ty Tài nguyên.

Tổng dư nợ của Công ty Tài nguyên tại MSB tạm tính đến ngày 06/11/2024 là hơn 1.141 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 296 tỷ đồng, còn dư nợ lãi và lãi phạt hơn 845 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node. Đây là hợp đồng thế chấp được ký giữa Công ty Tài Nguyên và các ngân hàng MSB, BIDV và PVCombank, do BIDV làm đầu mối quản lý tài sản.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có 11,3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng sản xuất thương mại Hà Tây và 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Kenton Node, đều thế chấp riêng cho MSB).

Giá MSB bán nợ bằng giá trị khoản nợ (bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, nợ lãi và lãi phạt) tính đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ.

Kenton Node có tên gọi trước đây là Kenton Residences, tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công năm 2009. Thời điểm đó dự án gồm 3 phân khu: Plaza, Residences, Sky Villa; với 9 tòa nhà gồm 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.

Năm 2010, dự án mở bán 100 căn hộ đầu tiên với giá thuộc phân khúc cao cấp nhất khu Nam lên tới 1.566 – 2.250 USD/m2. Tuy nhiên thời điểm đó là lúc thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng khiến việc chào bán giai đoạn 2 bị ngưng trệ. Năm 2013, chủ đầu tư trả lại toàn bộ tiền cho những người mua đợt đầu tiên.

Tới tháng 05/2017, dự án được hồi sinh và đổi tên thành Kenton Node, công bố tổng mức đầu tư hơn tỷ USD. Chủ đầu tư cho biết dự án được BIDV và MSB ký kết bổ sung vốn để tiếp tục triển khai. Đến giữa năm 2018, dự án lại tiếp tục đứng im.

Năm 2022, Tập đoàn Novaland tham gia với tư cách là đơn vị phát triển dự án và đổi tên thành Grand Sentosa. NVL quảng bá dự án có diện tích 10,7ha, 3.000 căn (trong đó 800 căn hotel, 60 căn shophouse); tổng vốn đầu tư 350 triệu USD. Tuy nhiên đến hiện tại, dự án vẫn trong tình trạng đắp chiếu, các hạng mục đều không có dấu hiệu thi công trở lại.

Hoàng Lam (t/h)

Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn