Hai nửa bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý I

Tăng - giảm trái chiều

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên mới diễn ra, ông Trần Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank (mã chứng khoán CTG) cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, còn tính đến ngày 15/4/2025 ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Techcombank (mã chứng khoán TCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 7.236 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần của Techcombank dường như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, mang về 8.305 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng thêm gần 443 tỷ đồng, mức tăng khiêm tốn hơn so với chi phí lãi (tăng gần 637 tỷ đồng). Đồng thời, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi của Techcombank chưa khả quan khi giảm 12,1% chủ yếu do lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 15,8% xuống còn 1.828 tỷ đồng... Tuy vậy, chi phí dự phòng rủi ro được cắt giảm 10%, từ 1.211 tỷ đồng xuống 1.090 tỷ đồng, giúp thu hẹp mức giảm của lợi nhuận.

Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản Techcombank đạt 989.216 tỷ đồng, tăng 1,1%; tín dụng hợp nhất tăng 5,1%; tiền gửi của khách hàng đi ngang so với đầu năm. Số dư nợ xấu tăng 9,6% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,17%, song vẫn là mức thấp.

Với ACB (mã chứng khoán ACB), ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, ước tính quý I/2025, ACB đạt 4.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước do chủ động thực hiện ưu đãi lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, trong kỳ ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE ở mức trên 20% - thuộc nhóm dẫn đầu ngành, thể hiện hiệu quả quản trị vốn và khả năng sinh lời ổn định.

Trong kỳ báo cáo, thu nhập ngoài lãi của ACB tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu tăng lên 20% từ mức 18% cùng kỳ, cho thấy sự đa dạng hóa nguồn thu nhập và giảm sự phụ thuộc vào thu nhập lãi. Đến cuối quý I/2025, quy mô tín dụng của ACB đạt 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1%; tổng quy mô huy động vốn (bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) đạt 664.000 tỷ đồng, tăng 4%.

Tại Sacombank (mã chứng khoán STB), bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng cho hay, trong quý I/2025, huy động vốn tăng 3,1% so với đầu năm và đạt 31% kế hoạch năm; cho vay tăng 4,8% và đạt 34% kế hoạch năm; lợi nhuận cũng đạt đúng tiến độ quý (25% kế hoạch năm, tương đương 3.700 tỷ đồng trước thuế, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước).

VPBank (mã chứng khoán VPB) báo lãi hợp nhất hơn 5.000 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại Ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm nay đạt hơn 4.942 tỷ đồng, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng gần 23%. Thu nhập lãi của VPBank đạt 22.184 tỷ đồng, tăng 14,67%; trong khi chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng khiêm tốn hơn, ở mức 10%.

Nhờ kết quả trên, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt gần 13.356 tỷ đồng, tăng 19% và tạm dẫn đầu trong các ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 đến thời điểm này. Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi thuần giảm 24,8% xuống 1.169 tỷ đồng do chi phí đi lên. Hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 135 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 37 tỷ đồng. Đến cuối quý I/2025, tổng tài sản VPBank tăng 7,6%; cho vay khách hàng tăng 5,4%; tiền gửi của khách hàng tăng 13% lên 552.374 tỷ đồng.

Thách thức mục tiêu cả năm

Sở dĩ lợi nhuận ngân hàng tăng trong quý đầu năm nay một phần nhờ tín dụng cải thiện, dù chưa cao (tính đến ngày 25/3/2025, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 2,5%). Tuy vậy, lãnh đạo các ngân hàng cho hay, với tác động từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Mỹ, sẽ khó tránh ảnh hưởng đến tín dụng và kết quả lợi nhuận của ngành các quý tới. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đặt tham vọng hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận năm nay.

Chẳng hạn, năm 2025, Vietcombank (mã chứng khoán VCB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước, tương ứng 44.300 tỷ đồng. BIDV (mã chứng khoán BID) lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 6-10% lên hơn 31.383 tỷ đồng.

VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với thực hiện năm 2024. ACB đặt mục tiêu đạt 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, tăng 9,5% so với năm trước. Sacombank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng năm 2025, tăng 15% so với kết quả năm 2024...

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Sacombank nhận định, nếu Mỹ tăng thuế hoặc siết chính sách thương mại với Trung Quốc và các đối tác, dòng vốn FDI và xuất nhập khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm cầu tín dụng từ doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó tác động đến hoạt động cũng như lợi nhuận của các ngân hàng. Bên cạnh đó, áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế cũng sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) suy giảm.

Trước bối cảnh đầy thách thức năm nay, bà Diễm cho hay, Sacombank sẽ phải nỗ lực hơn với mục tiêu lợi nhuận đã được ĐHCĐ giao phó. Đồng thời, với những thế mạnh sẵn có kết hợp các định hướng chiến lược đúng đắn sẽ giúp Sacombank đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra. Ngoài ra, việc thị trường bất động sản hồi phục và mặt bằng lãi suất thấp được duy trì sẽ kích cầu tín dụng, nhất là đối với phân khúc cho vay mua nhà. Khi tín dụng tăng lên sẽ kéo nguồn thu ngoài lãi tăng theo, đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng.

Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều tín hiệu tích cực, GDP tăng gần 7%, lạm phát được kiểm soát tốt... Tuy nhiên, những yếu tố không tích cực như thuế quan đối ứng từ Mỹ cũng xuất hiện, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tại Việt Nam, các yếu tố tỷ giá, đầu tư nước ngoài, nhu cầu tiêu dùng… sẽ chịu tác động bởi chính sách thuế này, kéo theo ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống nói chung, lợi nhuận các ngân hàng nói riêng.

Mặc dù NIM khó tránh bị ảnh hưởng, nhưng theo ông Phát, ACB đã có sự chuẩn bị. Khi chính sách thuế quan của Mỹ công bố, ACB đã rà soát lại danh mục khách hàng. Cơ cấu tín dụng của ACB khá đặc thù, với tín dụng cá nhân chiếm tới 65%, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 29%, còn lại là khối doanh nghiệp lớn và FDI. Riêng mảng doanh nghiệp FDI chỉ mới phát triển gần đây nên tính tập trung chưa cao.

“Thách thức đã hiện hữu, song đây mới là quý khởi đầu của năm và còn chặng đường ba quý tiếp theo. Với chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, ACB có cơ sở hoàn thành mục tiêu từng quý, qua đó về đích lợi nhuận trước thuế cả năm. Năm 2025, thị trường được dự báo có nhiều yếu tố tác động, cơ hội và thách thức đan xen, ACB vẫn sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18%”, ông Phát nói.

Còn ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank (mã chứng khoán HDB) thông tin, việc được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay sẽ giúp Ngân hàng tăng cường cho vay, tài trợ tiêu dùng, từ đó cân bằng hơn danh mục đầu tư - tài trợ. Vì thế, HDBank có thể hỗ trợ cho khách hàng mở rộng ra thị trường mới ngoài Mỹ. Năm 2025, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm trước.

Năm 2025, VietinBank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng là 15%, nhưng theo lãnh đạo ngân hàng này, nếu tình hình thuận lợi, VietinBank sẽ cố gắng phấn đầu đạt mức tăng trưởng 16% hoặc cao hơn. Mặc dù chưa tiết lộ cụ thể kế hoạch lợi nhuận năm nay, song chia sẻ tại ĐHCĐ, Chủ tịch Trần Minh Bình cũng thể hiện niềm tin rằng, VietinBank sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn