Hai quỹ nội của Dragon Capital ưu tiên phân bổ vào ngành ngân hàng, hiệu suất đang bám đuổi VN-Index
Báo cáo hoạt động tháng 2 của quỹ DCDS, các ngành tăng điểm tốt trong tháng 2 gồm phần mềm (+13,0%), hoá chất (+15,8%), xuất khẩu (+10,9%), nguyên vật liệu (+10,3%) và ngân hàng (+9,2%).
Những cổ phiếu thuộc các ngành nêu trên đều chiếm tỷ trọng cao trong danh mục DCDS, vì vậy đã đem đến kết quả hoạt động tốt cho quỹ trong tháng 2 (hiệu suất 8,1% so với VN-Index tăng 7,6%). Tính chung 2 tháng, hiệu suất đạt 9,8%, trong khi VN-Index tăng 10,9%. Giá trị tài sản ròng (NAV) cuối tháng 2 đạt 1.654 tỷ đồng.
Trong tháng 2, DCDS cho biết đã tái cơ cấu các cổ phiếu đã đạt tăng trưởng kỳ vọng và giảm nhẹ tỷ trọng ngành bất động sản dân cư (11,5% NAV) tại cuối tháng 2, đồng thời nâng tỷ trọng ngành ngân hàng (29,8% NAV), công nghệ (11,9% NAV) và bất động sản công nghiệp (5% NAV). Nhờ đó, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 5/3, hiệu suất đầu tư đạt 12%, thu hẹp khoảng cách so mức tăng 12,4% của VN-Index trong cùng kỳ.
Tình hình của DCDE cũng tương tự, quỹ ghi nhận hiệu suất 7,5% trong tháng 2, nâng lũy kế từ đầu năm lên 9,6%. NAV cuối tháng 2 đạt gần 462 tỷ đồng.
Trong tháng qua, DCDE đã gia tăng tỷ trọng ngành ngân hàng chiếm 31% NAV. Các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng mà quỹ phân bổ tỷ trọng cao trong danh mục đều sở hữu tăng trưởng tốt như CTG (12,5%), MBB (+11,0%), VCB (+9,9%).
Trong thời gian tới, DCDE sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ vào ngành ngân hàng với những thông tin tích cực như dự báo dư địa tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm nay. Đồng thời, quỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm các quỹ cổ phiếu tăng trưởng tốt và chi trả cổ tức bằng tiền mặt để đầu tư.
Thành viên Dragon Capital có quy mô lớn nhất là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) với NAV khoảng 44.600 tỷ đồng tại 12/3.
VEIL đạt hiệu suất 7% trong tháng và 8,4% sau 2 tháng đầu năm (theo GBP). Quỹ cho biết VND mất giá khoảng 0,9% so với bảng Anh (GBP) kể từ đầu năm.
Danh mục VEIL vẫn tập trung vào các nhóm ngân hàng, thép, bán lẻ. 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục tại cuối tháng 2 chiếm 60% NAV, gồm HPG, ACB, VPB, VCB, FPT, MWG, TCB, MMB, VHM và GAS.
Nhận định thị trường đang gặp áp lực trong ngắn hạn
Phân tích mới đây ngày 13/3 của Dragon Capital , việc phát hành tín phiếu những ngày gần đây của Ngân hàng Nhà nước được nhận định là động thái điều hành cần thiết trong việc hạ nhiệt tỷ giá, không mang ý nghĩa của sự thay đổi chính sách tiền tệ.
Về dài hạn, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng nới lỏng, với ưu tiên là giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp để phục hồi kinh tế. Ngay cả sau đợt phát hành tín phiếu hút tiền năm ngoái, lãi suất vẫn tiếp tục giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào.
Đối với thị trường chứng khoán, năm nay nhà quản lý quỹ kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 15 - 18% với nhóm 80 công ty niêm yết lớn nhất (theo danh sách của Dragon Capital), và hiện vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ vĩ mô.
Trong ngắn hạn, VN-Index có thể gặp các biến động đến từ áp lực chốt lời, hoặc tâm lý phòng vệ của nhà đầu tư sau một giai đoạn tăng khá nhanh kể từ đầu năm. Tuy nhiên, Dragon Capital vẫn duy trì quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Xem thêm tại vietnambiz.vn