Hàng không đắt khách quốc tế, “sáng cửa” giúp doanh nghiệp hồi phục
Ghé thăm “xứ sở chuột túi” nhân kỷ niệm 58 năm ngày du học Úc, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, trường Đại học Bách khoa TP.HCM, có dịp gặp lại bạn bè, cựu sinh viên theo học Chương trình Colombo Plan để cùng ôn lại những kỷ niệm cũ và kết hợp thăm gia đình con trai đầu năm nay. Đến Úc qua chuyến bay của Vietnam Airlines, ông Tống kể rằng hãng bay phục vụ khá tốt, chỉ có điểm trừ là biển chỉ dẫn tại phòng chờ sân bay gây nhầm lẫn cho hành khách.
Qua chuyến đi này và quan sát chuyển động của ngành hàng không đầu năm mới, vị chuyên gia này cho rằng lĩnh vực hàng không dù phục hồi chậm nhưng đang trên đà tăng trưởng khả quan khi người dân giải tỏa tâm lý vì đại dịch đã đi qua, hoạt động giao thương, du lịch sôi động trở lại và đông đảo bà con Việt kiều về nước dịp Tết vừa qua.
HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ TĂNG TRƯỞNG BÙNG NỔ
Theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, thay vì hướng đến khai thác thị trường tỷ dân từ Trung Quốc, năm vừa qua, các hãng bay Việt Nam tìm cách đa dạng hóa và mở rộng thị trường trong bối cảnh đại bộ phận người dân Trung Quốc ưu tiên du lịch nội địa, riêng khu vực Úc và Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất so với năm 2019 khi các hãng hàng không liên tục mở loạt đường bay mới và tăng tần suất so với thời điểm trước dịch.
Chẳng hạn, Vietnam Airlines tăng tần suất đồng loạt trên nhiều đường bay đến Úc, mở mới đường bay thẳng TP.HCM đến thành phố Perth. Vietjet cũng mở thêm đường bay mới kết nối TP.HCM với các thành phố Perth, Adelaide và trở thành hãng hàng không đầu tiên có đường bay kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất Úc. Kết quả năm vừa qua, thị trường Úc vận chuyển 913.000 hành khách, tăng 40% cùng kỳ.
Cùng với đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến thị trường Ấn Độ, trong năm 2023 vận chuyển 920.000 hành khách, tăng gần 15 lần so với năm 2019.
Hàng không quốc tế tiếp đà tăng trưởng bùng nổ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua và được thể hiện rõ nét qua số liệu do Cục Hàng không Việt Nam cung cấp. Vận chuyển hành khách quốc tế dịp cao điểm này đạt xấp xỉ 748,6 nghìn khách, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, vận chuyển hành khách nội địa đạt giảm 13,2% và đạt hơn 762,4 nghìn hành khách. Giá vé máy bay dịp Tết leo cao, nhưng nhu cầu hành khách vẫn tăng vọt dịp này nên các hãng dồn dập tăng chuyến và thuê thêm tàu bay, phi công, tiếp viên để gặt hái thêm lợi nhuận, dù phải chịu chi phí đắt đỏ hơn.
Theo đó, tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không từ ngày 8/2-14/2/2024 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) đạt hơn 1,5 triệu hành khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung tháng 2, hành khách quốc tế qua các cảng hàng không tăng mạnh tăng 59,1% đạt 3,65 triệu khách. Các hãng hàng không Việt Nam đã chuyên chở 5,1 triệu khách, tăng 21,6% cùng kỳ, trong đó vận chuyển 1,6 triệu khách quốc tế.
Dự báo về năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng thị trường vận tải hàng không đạt 80,3 triệu khách và 1,16 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 7,1% về hành khách và 4,8% về hàng hóa so với năm 2023. So với cùng thời điểm trước dịch Covid (năm 2019), con số này tăng 1,5% về hành khách và giảm 7,7% về hàng hóa.
Trong năm nay, cơ quan này tiếp tục ưu tiên nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và hỗ trợ các hãng tháo gỡ khó khăn thông qua việc khôi phục và mở rộng hoạt động khai thác quốc tế; đồng thời, đôn đốc tiến độ các dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng các sân bay trong cả nước.
ĐẢO CHIỀU BÁO LÃI
Năm 2023, ngành hàng không tiếp tục trỗi dậy khi đại dịch tàn lụi, các hãng hàng không đều khấp khởi báo lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thay vì phụ thuộc nhiều vào hoạt động đầu tư tài chính, hay bán và thuê lại tàu bay… Trong đó, thị trường hàng không quốc tế tiếp tục dẫn dắt doanh thu, lợi nhuận các hãng tăng mạnh từ nền thấp cùng kỳ. Số liệu Cục Hàng không Việt Nam cho thấy vận chuyển hành khách quốc tế năm 2023 đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022, bằng 77% so với năm 2019.
Về kết quả kinh doanh của các hãng hàng không, thông tin từ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) cho thấy, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ cả năm 2023 tăng 38% tương đương tăng hơn 19.544 tỷ đồng và hợp nhất tăng 30% tương đương 21.380 tỷ đồng so với năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần gần 91.460 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ do thị trường phục hồi và doanh thu quốc tế tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dù tình hình kinh doanh ảm đạm dần vào quý cuối năm khiến hãng hàng không này ghi nhận lỗ gộp 189 tỷ đồng, trái ngược với lãi gộp ba quý liên tiếp đầu năm nhưng kết thúc năm, công ty mẹ Vietnam Airlines vẫn lãi gộp hợp nhất 3.939 tỷ đồng, đảo chiều hoàn toàn so với mức lỗ gần 2.900 tỷ đồng cùng kỳ. Đây là kết quả khả quan trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19 và trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tính chung năm 2023, lỗ sau thuế của công ty mẹ là 4.798 tỷ đồng, giảm 45%, tương đương giảm lỗ 4.054 tỷ đồng so với cùng kỳ; lỗ hợp nhất là 5.517 tỷ đồng, giảm 51%, tương đương giảm lỗ 5.706 tỷ đồng.
Giải trình biến động lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, Vietnam Airlines cho biết lỗ cả năm 2023 giảm 5.700 tỷ đồng so với cả năm 2022, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 4/2023 của báo cáo tài chính hợp nhất giảm so với quý 4/2022 chủ yếu do giảm lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 4/2023 của Pacific Airlines và công ty mẹ. Hơn nữa, các công ty khác như: Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS), Công ty TNHH MTV Suất ăn Hàng không Việt Nam (VACS)… có lãi hơn so với quý 4/2022.
Trong năm 2023, tổng công ty cũng chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp. Nhờ hoạt động kinh doanh năm 2023 diễn biến tốt hơn nên bức tranh tài chính cả năm của Vietnam Airlines chuyển dần gam màu sáng.
Còn Công ty cổ phần Hàng không Vietjet ghi nhận doanh thu 53.645 tỷ đồng (riêng lẻ) và 62.534 tỷ đồng (hợp nhất), tăng lần lượt 62% và 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 đạt lần lượt 697 tỷ đồng và 344 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, Vietjet vượt 24% mức doanh thu hợp nhất năm đề ra (50.178 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế bằng 34% mục tiêu đề ra (1.000 tỷ đồng).
Vietjet cũng ghi nhận lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ năm 2023 đạt 2.558 tỷ đồng; lãi gộp hợp nhất đạt 2.917 tỷ đồng, đảo chiều hoàn toàn so với mức lỗ hàng ngàn tỷ đồng cùng kỳ.
Vietjet cũng đánh dấu một năm thành công nhờ vào việc mở rộng và phát triển mạng bay quốc tế, thúc đẩy hồi phục và phát triển du lịch, đầu tư, giao thương trong nước và khu vực, đa dạng trong các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ. Mạng bay quốc tế tiếp tục được Vietjet đặt trọng tâm phát triển trong năm 2023 với 16 đường bay quốc tế được mở mới, nâng tổng số đường bay lên 125, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội. Năm 2023, Vietjet vận chuyển 25,3 triệu khách, tăng 23% so với 2022, trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng 183%.
DỰ KIẾN ĐÓN THÊM TIN VUI NĂM 2024
Theo giới quan sát, năm 2024, thị trường hàng không Việt dự kiến đứng trước ngưỡng cửa phát triển mới khi các “ông lớn” hàng không thoát lỗ sau nhiều năm chật vật vì đại dịch nhờ sản lượng khách quốc tế hồi phục hoàn toàn, đây là “mỏ vàng” đem lại lợi nhuận lớn cho nhiều hãng hàng không...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 09-2024 phát hành ngày 26-02-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Xem thêm tại vneconomy.vn