Hàng loạt doanh nghiệp đình đám bị hủy niêm yết, số phận cổ đông đi về đâu?

Ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán hợp nhất năm 2023, Hòa Bình đang ghi nhận khoản lỗ sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Theo đó, căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, cổ phiếu HBC thuộc diện bị hủy bỏ niêm yết với tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp theo quy định.

Đối với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, lý do hủy niêm yết được HOSE đưa ra là do cổ phiếu này đã có 3 năm thua lỗ liên tục. Cụ thể, năm 2021 lỗ 1.119,4 tỷ đồng; năm 2022 lỗ 3.576,5 tỷ đồng; năm 2023 lỗ 1.098,5 tỷ đồng. Căn cứ điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết.

Trước đó vào tháng 4, hai cổ phiếu khác là POM của CTCP Thép Pomina và QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình cũng đã bị HOSE quyết định hủy niêm yết.

Hàng loạt doanh nghiệp đình đám bị hủy niêm yết, số phận cổ đông đi về đâu?
Ảnh minh họa

Theo quy định, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Ngoài ra, cổ phiếu cũng sẽ bị hủy niêm yết nếu công ty phát sinh một trong các vi phạm: chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp; công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính năm gần nhất; công ty niêm yết vi phạm nghiêm trọng việc công bố thông tin quan trọng, chẳng hạn như thông tin liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị; công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp bị hủy niêm yết sẽ ra sao?

Được biết, có 2 trường hợp xảy ra đối với cổ phiếu sau khi bị hủy niêm yết. Thứ nhất, cổ phiếu bị hủy niêm yết có khả năng được chuyển từ Sở giao dịch lớn (HOSE, HNX) xuống thị trường UPCOM để tiếp tục duy trì thanh khoản, điển hình như trường hợp cổ phiếu POM và QBS mới đây.

Với trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Lúc này có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư: công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.

Do đó, để hạn chế các rủi ro ngoài mong muốn, nhà đầu tư cần trang thị thêm kiến thức, hiểu biết về cổ phiếu, nền tảng doanh nghiệp cũng như các quy định trên thị trường. Không nên mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không minh bạch, có dấu hiệu làm giá, hoặc đang trong diện kiểm soát...

Xem thêm tại nguoiquansat.vn