Hàng nghìn doanh nghiệp địa ốc trở lại thị trường
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản quay trở lại hoạt động 1.302 doanh nghiệp, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Hơn 1.300 doanh nghiệp trở lại
Bên cạnh đó, cả nước có 1.376 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, bằng 98,7% so với cùng kỳ 2023. Số doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn là 2.766 doanh nghiệp, bằng 130,7%. Về số lượng doanh nghiệp hoàn tất giải thể là 410 doanh nghiệp, bằng 89,9% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, năm 2023, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Đến nay, nhờ tác động từ loạt chính sách tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản của Chính phủ cùng các bộ ngành, đã giúp nhiều doanh nghiệp địa ốc “hồi sinh” trở lại. Điều này đã phần nào phản ánh rõ nét tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, dấu hiệu khởi sắc của thị trường cũng được thể hiện qua các sàn giao dịch bắt đầu tuyển dụng thêm nhân lực. Điển hình, Tập đoàn Novaland vừa qua đã tổ chức Ngày hội tuyển dụng 2024 quy mô lớn với hơn 12.000 cơ hội việc làm trên nhiều lĩnh vực du lịch, ẩm thực, thể thao, bất động sản…
Hay như Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh cũng có kế hoạch tăng gấp đôi đội ngũ bán hàng, từ khoảng 2.000 nhân sự vào cuối năm 2023 lên khoảng 4.000 nhân sự vào cuối quý 2/2024.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Xuân Nga - Tổng giám đốc BHS Property cho rằng, thị trường địa ốc đang có dấu hiệu khởi sắc, tâm lý của khách hàng cũng được cải thiện hơn. Tận dụng thời điểm này, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang đẩy mạnh các chiến dịch chiêu mộ và phát triển đội ngũ nhân viên môi giới.
Nhiều tín hiệu khởi sắc
Đánh giá về mức độ “sẵn sàng tái nhập cuộc” của các chủ thể tham gia thị trường, VARS cho rằng, nhờ sự chuyển biến trên thị trường bất động sản cùng việc tự nhìn lại mình để có sự điều chỉnh phù hợp mà cả cá nhân và doanh nghiệp làm môi giới đều thấy “khỏe” hơn. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp môi giới nói riêng đều thể hiện tâm lý lạc quan khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng cao so với kết quả đạt được năm 2023.
Trao đổi với DĐDN về triển vọng thị trường, ông Trần Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nếu xét theo các số liệu của thị trường có thể thấy thị trường bất động sản đã bước ra khỏi “vùng đáy” và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Theo dự báo, thị trường sẽ chính thức phục hồi theo xu hướng hình “chữ V” từ cuối quý 2/2024.
Đặc biệt, “khi ba bộ Luật quan trọng chính thức có hiệu lực thì hàng loạt khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế sẽ được tháo gỡ, nguồn cung hồi phục, doanh nghiệp hoạt động trở lại, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, sẽ kéo theo hàng loạt ngành khác có liên quan như vật liệu xây dựng, các ngành dịch vụ cung cấp đầu vào...phát triển trở lại”, ông Dũng nhận định.
Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, niềm tin với thị trường bất động sản đang trở lại, chu kỳ mới đang mở ra cơ hội cho các thành viên thị trường, nhất là với những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Dù vậy, với áp lực chi phí đầu vào phát triển dự án tăng cao, giá bán bất động sản sơ cấp sẽ tiếp tục tăng, nếu nhà đầu tư càng chần chừ thì cơ hội mua hàng giá tốt ngay “chân sóng” cùng nhiều chính sách ưu đãi sẽ càng thu hẹp.
Ngoài ra, tại mỗi chu kỳ suy giảm kinh tế, hiện tượng “sóng sau đè sóng trước” đều xuất hiện ở giai đoạn phục hồi. Theo đó, sẽ có những thương hiệu cũ sa sút hoặc rời bỏ thị trường, nhường chỗ cho những thương hiệu bất động sản mới nổi lên, tạo lập vị thế mới trong chu kỳ phát triển mới.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn