Hàng tỷ cổ phiếu dự kiến sẽ được “bơm” ra thị trường chứng khoán, Vietcombank, VietinBank, Novaland dẫn đầu về số lượng phát hành thêm
Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, các hoạt động phát hành, tăng vốn của doanh nghiệp cũng "nóng" dần lên. Theo thống kê sơ bộ, 15 cái tên trên sàn chứng khoán đang có kế hoạch phát hành thêm tổng cộng gần 8,5 tỷ cổ phiếu. Càng gần mùa Đại hội cổ đông, các kế hoạch phát hành, tăng vốn lại càng xuất hiện nhiều.
Mới nhất, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 tới đây, HĐQT Hòa Phát đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng công ty sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng. Tương tự, 2 công ty chứng khoán là Vietcap, FPTS cũng có tờ trình tăng vốn trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 sắp diễn ra.
Một số trường hợp khác đang triển khai có thể kể đến như HSC phát hành 69 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán 228,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; HAGL chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu. Còn lại, đa phần các kế hoạch đã được ĐHĐCĐ, HĐQT thông qua trước đó nhưng doanh nghiệp chưa triển khai và dự kiến sẽ được thực hiện thời gian tới.
Không bất ngờ khi nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán) chiếm sóng ở hoạt động này. Trong đó, 2 "ông lớn" ngành ngân hàng là Vietcombank và VietinBank đều dự kiến sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ của năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vietcombank dự kiến sẽ phát hành thêm 2,17 tỷ cổ phiếu trong khi VietinBank sẽ phát hành 1,16 tỷ cổ phiếu mới.
"Bộ đôi" đầu ngành chứng khoán là SSI và VNDirect cũng có kế hoạch tăng vốn "khủng" thông qua thưởng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, ESOP. Trong đó, SSI đã được cổ đông "bật đèn xanh" thông qua bằng văn bản cuối năm ngoái còn kế hoạch của VNDirect đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Thực tế, nhu cầu nâng cao năng lực về vốn là rất lớn đối với nhóm tài chính. Các công ty chứng khoán cần liên tục tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động, chiếm thị phần, cải thiện năng lực cho vay ký quỹ (margin), hoặc thậm chí là tự doanh. Ngoài ra, còn cả câu chuyện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Với ngành ngân hàng, việc sở hữu vốn điều lệ lớn hơn sẽ cho phép tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống,... Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2025, ngành ngân hàng phấn đấu đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 11-12%. Fitch Ratings dự báo hệ thống ngân hàng cần bổ sung tới 10,7 tỷ USD vốn.
Các hoạt động chia tách cổ phiếu, tăng vốn diễn ra phổ biến là một trong những nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu khó duy trì ở mức cao. Thêm nữa, nhóm tài chính cũng mang nặng tính chu kỳ, việc duy trì đà tăng xuyên suốt trong thời gian dài là không đơn giản. Điều này khiến nhóm tài chính vắng bóng trong câu lạc bộ cổ phiếu có thị giá 3 chữ số trên sàn chứng khoán.
Đổi lại, trong danh sách những cái tên có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán, nhóm tài chính áp đảo hoàn toàn. Theo thống kê, toàn sàn hiện có 46 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên vạn tỷ (khối lượng lưu hành trên 1 tỷ cổ phiếu), các ngân hàng và công ty chứng khoán chiếm gần một nửa với 21 đại diện.
Trong nhóm phi tài chính, Hòa Phát hiện là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất với hơn 58.000 tỷ đồng. Con số này chỉ kém duy nhất VPBank tính trên phương diện toàn sàn chứng khoán. Theo sau là một loạt tên tuổi "đình đám" có vốn Nhà nước như GVR, BSR, Viettel Global, PV Power, PV Gas, Vietnam Airlines, ACV, Vinamilk, VEAM, Sabeco, Petrolimex, Vinalines, EVNGENCO 3, Becamex IDC, PV Oil.
Ngoài Hòa Phát, nhóm doanh nghiệp tư nhân có vốn điều lệ trên vạn tỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm Vingroup, Vinhomes, Vincom Retai, Novaland, Thế Giới Di Động, Masan, Masan Resources, FPT, HAGL Agrico. Dù vậy, một số cổ phiếu trong nhóm này ở một góc độ nào đó có thể xếp vào loại "quốc dân" với số lượng cổ đông lớn cùng giao dịch rất sôi động mỗi phiên.
Nhìn chung, chia tách cổ phiếu, phát hành, tăng vốn là hoạt động chính đáng của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, một lượng lớn cổ phiếu được "bơm" ra cũng sẽ ít nhiều gây áp lực lên thị trường. Giao dịch sôi động là một điểm tích cực nhưng điều đó cũng đồng nghĩa cổ phiếu cần dòng tiền lớn hơn trong mỗi nhịp sóng đi lên.
Xem thêm tại cafef.vn