Hàng Việt Nam: Chinh phục khách ngoại trên hệ thống siêu thị
Tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng
Hàng Việt Nam xuất khẩu thông qua các hệ thông phân phối, thị trường khó tính cả theo phương thức truyền thống và qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều đó cho thấy sản phẩm trong nước đã đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của đối tác ngoại.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa cung ứng tại hệ thống trong nước, Saigon Co.op còn đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hàng Việt chinh phục nhiều thị trường với những sản phẩm đặc trưng.
Mới đây, Công ty TNHH MTV Phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina đã tiến hành bàn giao 2 container hàng nhãn riêng Co.op Select để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đây là hàng sản xuất trong nước, được Saigon Co.op tinh tuyển từ nhóm hàng tiêu dùng nhanh, mang đậm bản sắc, tinh hoa ẩm thực Việt như nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê… với giá trị đơn hàng gần 70.000 USD.
Kế hoạch 3 tháng cuối năm, SCD sẽ hoàn tất xuất khẩu 20 container qua thị trường nước ngoài và năm 2025 dự kiến xuất từ 120 - 150 container, với giá trị ước đạt 120 tỷ đồng.
Cùng với đó, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bibica cũng cho hay, không chỉ giữ vững thị phần trên thị trường trrong nước, Bibica đã đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng xuất khẩu đến 17 thị trường quốc tế bao gồm Thái Lan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mongolia...
Sản phẩm bánh kẹo của Bibica đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… và trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho một số siêu thị lớn trên thế giới.
Đặc biệt mới đây, Bibica đã đạt được thỏa thuận đưa sản phẩm bánh kẹo vào hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart với dư địa tăng doanh số cao.
Đón xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử
Về việc đầu tư xây dựng sản phẩm để tham gia vào xuất khẩu qua thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh Công ty An Việt Nam cho biết, xuất khẩu thương mại điện tử đang là xu hướng chung và doanh nghiệp đang nắm bắt cơ hội để đưa hàng Việt ra thị trường thế giới thông qua sàn Alibaba và Amazon.
Việc thay đổi chiến lược bắt đầu từ con số 0, bởi công ty đang xuất khẩu theo cách truyền thống, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc, gạo sang thị trường Philippines. Nắm bắt xu hướng của chuyển đổi số và nâng cao giá trị, lợi nhuận cũng như định vị được thương hiệu tới tay người tiêu dùng thì việc bán lẻ qua thương mại điện tử là cách nhanh nhất.
Do đó, song song với xuất khẩu truyền thống, công ty đang đầu tư cho mảng xuất khẩu qua thương mại điện tử như đầu tư cho sản phẩm, bao bì, nghiên cứu hỗ trợ của các sàn thương mại điện tử, nghiên cứu thị hiếu, xu hướng của người tiêu dùng tại thị trường đích, vận chuyển…
“Cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt song thách thức cũng rất lớn trong việc đầu tư cho chuyển đổi số, sản phẩm và cũng còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi kỳ vọng khi đã xây dựng được sản phẩm, thương hiệu định vị được thị trường và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, sàn thương mại điện tử thì sẽ mở rộng được thị trường mới, tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận lớn hơn bán truyền thống và người tiêu dùng biết đến sản phẩm mang thương hiệu Việt”, bà Dung nói.
Bên cạnh sự thành công, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, nhất là khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho rằng, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với vấn đề về công nghệ, chuyển đổi số song mức độ thích nghi của doanh nghiệp còn khá hạn chế; sự kiên trì; trước đây thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao có chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển, nhưng giờ đây cần xây dựng chỉ dấu nhận biết từ cơ quan nhà nước có tính chất, quy mô lớn hơn để đưa hàng Việt Nam vươn mình ra thế giới.
Ở góc độ thương mại điện tử, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp bỏ qua chuyển đổi số thì sẽ tụt hậu, người tiêu dùng sẽ bỏ đi.
Do đó, để thích ứng, ông Trần Quốc Bảo cho rằng, trước đây, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở thành chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển ở kênh offline, giờ cần chỉ dấu đưa hàng Việt Nam lên kênh thương mại điện tử.
Cần chỉ dấu có tính quy mô, từ cơ quan nhà nước, hiệp hội tổ chức để đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa hàng đến tay người tiêu dùng.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã đóng góp rất nhiều vào hành trình khát vọng hàng Việt Nam.
“Hàng Việt Nam mang thương hiệu Việt Nam trước chưa có trên thị trường quốc tế mấy thì nay đã xuất hiện rất nhiều và đã chứng minh được sản phẩm và vị thế của mình. Nhiều sản phẩm Việt đặt trên kệ siêu thị lớn của các nước như EU, Mỹ… chuỗi siêu thị nước ngoài, điều đó cho thấy, hàng hoá của Việt Nam được ưa chuộng và yêu thích không chỉ ở hệ thống siêu thị, thị trường trong nước và cả quốc tế”, ông Phú nói.
Để có được kết quả này là sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp và cơ quan chức năng, trong đó có công tác xúc tiến thương mại.
Theo đó, xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị, thông tin cập nhật kịp thời về xu hướng của thị trường, các nhà sản xuất, phát triển thị trường nắm rõ được và kết nối được với các nhà nhập khẩu, tiếp cận được thị trường.
Người mua, người bán giao thương đã đưa hàng Việt tiếp cận được theo chuỗi, nâng cao được năng lực cạnh tranh của hàng Việt ra thế giới.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn