Hé lộ vị trí dự kiến sản xuất ray đường sắt tốc độ cao của Hòa Phát

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong văn bản của UBND tỉnh Phú Yên gửi Bộ GTVT về xin chủ trương kết nối tuyến đường sắt từ cảng Bãi Gốc và tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam.

Được biết tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 12 km này do Tập đoàn Hòa Phát đề xuất bỏ vốn đầu tư nhằm kết nối nhà máy luyện kim, sản xuất thép của đơn vị này tại Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên với tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn với chi phí logistics hợp lý.

Dự kiến nhà máy này sẽ có sản phẩm thép đường ray cao tốc có kích thước phổ biến từ 50 m - 100 m, được vận chuyển bằng đường sắt thay vì vận chuyển bằng đường bộ đến công trường.

Theo các chuyên gia, với chiều dài phổ biến của mỗi thanh ray đường sắt tốc độ cao là 100 m, việc vận chuyển chúng từ nơi sản xuất đặt tại Việt Nam hay từ các cảng biển (trong trường hợp nhập khẩu) tới các công trường trải dài từ Bắc tới Nam sẽ là một bài toán logistics lớn. Kích thước siêu trường của các thanh ray sẽ không thích hợp để vận chuyển bằng đường bộ.

Tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Bộ GTVT là chủ đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố với chiều dài khoảng 1.541 km. Nếu toàn bộ các ray có chiều dài 100 m thì tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cần khoảng 15.410 thanh.

Thị trường thép ray đường sắt sẽ tăng lên đáng kể bởi trong giai đoạn 2024 - 2035, Việt Nam còn thực hiện nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, xây dựng 580 km đường sắt đô thị tại Hà Nội - TP.HCM thì giai đoạn 2025 - 2035 với tổng vốn đầu tư lên tới gần 150 tỷ USD.

Do tiến độ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được thực hiện trong vòng 10 năm (2024 - 2035) nên không chỉ Hòa Phát mà bất cứ doanh nghiệp cơ khí trong nước cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, trong đó có việc xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử, sản xuất hàng loạt đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật với chất lượng ổn định, đáng tin cậy. Tránh tình trạng vừa bắt đầu sản xuất thì Dự án đã kết thúc giai đoạn thi công, gây lãng phí đầu tư.

Hiện dung lượng thị trường thép ray tại Việt Nam là khoảng dưới 1.000 thanh có chiều dài 12,5 m - 25 m để thay thế bảo trì tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu.

Xem thêm tại baodautu.vn