Hết thời hoàng kim, vì sao ngân hàng vẫn muốn mở công ty bảo hiểm?

Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam vẫn còn thấp và các ngân hàng có thể vẫn đẩy mạnh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) thông qua việc ưu đãi lãi suất cho vay hoặc gửi tiết kiệm cho khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm. Do đó, nhóm phân tích đánh giá, kênh bancassurance vẫn có thể phát triển trong tương lai nhưng với tốc độ chậm hơn so với 10 năm qua và yêu cầu các tiêu chuẩn tuân thủ quy định cao hơn.

Nhiều ngân hàng muốn mở công ty bảo hiểm

Ngày 28/4/2025, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của VPBank (mã chứng khoán: VPB) đã thông qua phương án thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động của công ty bao gồm: cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung và các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật, với điều kiện được Bộ Tài chính chấp thuận.

Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank, cho hay việc chủ động sở hữu công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp VPBank kiểm soát toàn diện từ sản phẩm, mô hình kinh doanh cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác, thay vì phụ thuộc vào các đối tác khi chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm. Mô hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cũng có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động ngân hàng, giúp tăng cường tương tác và tối ưu giá trị khai thác từ hệ sinh thái khách hàng hiện hữu.

-7760-1745899030.jpg

VPBank lên kế hoạch mở công ty bảo hiểm nhằm từng bước xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa ngành

Trong năm qua, mảng bảo hiểm của VPBank cũng tăng trưởng tích cực. Luỹ kế năm 2024, VPBank thu 4.151 tỷ đồng từ bảo hiểm, tăng 41,31% so với cùng kỳ và tăng trưởng 23,76% so với năm 2022 - trước thời điểm thị trường xảy ra biến cố.

Tại ĐHĐCĐ được tổ chức mới đây, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng đã góp vốn thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ và đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm ô tô, bảo hiểm xe máy,...

"Hồ sơ xin thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ được Techcombank nộp lên Bộ Tài chính”, Tổng giám đốc Techcombank cho hay.

Đồng thời, ông Jens Lottner tiết lộ, tuỳ vào thời điểm Bộ Tài chính cấp phép, nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm 2025, Techcombank sẽ giới thiệu ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Mục tiêu của ngân hàng đến năm 2035 sẽ đạt doanh thu bảo hiểm tăng gấp 4 lần so với năm 2024, đạt 84.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: “Mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ sẽ đưa ra nhiều giá trị cho khách hàng. Techcombank muốn tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong hành trình trải nghiệm trọn vẹn của khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh nổi bật trên thị trường ngân hàng".

Trước đó, HĐQT Techcombank đã thông qua phương án thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ sau khi chấm dứt hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife vào năm 2024. Dự kiến, tên công ty bảo hiểm là Bảo hiểm nhân thọ Kỹ thương (TCLife), vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trong đó Techcombank góp 80% vốn điều lệ.

Theo các chuyên gia, mặc dù thị trường bảo hiểm đã qua thời "hoàng kim" nhưng việc hàng loạt chính sách sửa đổi gần đây sẽ tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững hơn. Do đó, dư địa tăng trưởng thị trường vẫn còn lớn, nhưng tốc độ chậm hơn so với 10 năm qua và yêu cầu các tiêu chuẩn tuân thủ quy định cao hơn.

Thống kê cho thấy trong năm qua, các nhà băng có thu nhập hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm. Có thể kể đến như: MB dẫn đầu với doanh thu 8.443,2 tỷ đồng, VPBank đạt 4.150,9 tỷ đồng, Techcombank đạt 605,7 tỷ đồng; LPBank gần 565 tỷ đồng,VIB thu 447 tỷ đồng và TPBank đạt 368,4 tỷ đồng… Xét về tốc độ tăng trưởng, đứng là Kienlongbank, với mức tăng 44,35%; tiếp đến là VPBank tăng trưởng 41,31% và SeABank tăng 35,35% so với cùng kỳ.

Ngân hàng hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại không được tự kinh doanh bảo hiểm mà phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh này. Giới hạn mức góp vốn, mua cổ phần được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

Tại Việt Nam, việc ngân hàng là cổ đông lớn của các công ty bảo hiểm không phải chuyện hiếm gặp. Không chỉ VPBank, Techcombank, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh chiến lược gia nhập sâu hơn vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Một số ngân hàng lớn đã chuẩn bị kế hoạch hoặc đang hoàn thiện hồ sơ thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, trong khi các ngân hàng đã có liên doanh bảo hiểm thì tìm cách gia tăng tỷ lệ sở hữu hoặc thúc đẩy các sáng kiến nội bộ nhằm mở rộng thị phần.

Chẳng hạn, theo báo cáo thường niên năm 2023, Agribank đang là một trong 3 cổ đông lớn sở hữu hơn 52% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC). Báo cáo thường niên năm 2024 của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho thấy, MB đang là cổ đông lớn khi sở hữu 68,37% cổ phần.

Tương tự, BIDV cũng đang là cổ đông lớn tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), đồng thời BIDV cũng chung vốn với liên doanh để thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife. Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm VietinBank (VBI) cũng được thành lập từ nguồn vốn của VietinBank.

Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) dù đã "về chung một nhà" với đối tác Hàn Quốc là công ty DB Insurance (DBI), nhưng SHB vẫn sở hữu 4,29% cổ phần.

Theo nhiều đánh giá, việc các ngân hàng tham gia thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm không chỉ mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng nguồn thu ngoài tín dụng mà còn nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính.

Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, ngân hàng đang từng bước xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa ngành, bao gồm ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES). Việc thành lập thêm công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ được kỳ vọng sẽ hoàn thiện đầy đủ các mảnh ghép còn thiếu trong chiến lược này.

Ngoài ra, về phía thị trường bảo hiểm, sự tham gia của các ngân hàng góp phần nâng cao tính cạnh tranh, cung cấp công nghệ hiện đại, giúp mở rộng mạng lưới và các đối tượng tham gia bảo hiểm.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn