Hiện thực hóa cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán
Chiều 2/7, Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, UBCKNN tổ chức Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự sự kiện còn có ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN, cùng đại diện lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán...
Thị trường chứng khoán tự do, hiệu quả luôn được coi là một trong những tiêu chí cốt yếu để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của một quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất.
Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời, việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCKNN) cho biết, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành, từ đó giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định sức hút mạnh mẽ của mình sau hơn hai thập kỷ hoạt động.
Điều này được minh chứng qua chất lượng hàng hóa trên sàn, quy mô giao dịch, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng tăng, với chất lượng được nâng cao liên tục. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực.
Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 31/5/2024 đạt xấp xỉ 10 triệu tỷ đồng, tương đương 97,35% GDP 2023 (GDP theo giá hiện hành). Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Số lượng tài khoản chứng khoán cũng chứng kiến mức tăng mạnh mẽ, từ 2.771.409 vào cuối năm 2020 lên 7.938.060 vào 31/5/2024, tương đương mức tăng trưởng kép 54,57% mỗi năm.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc xếp vào nhóm các thị trường mới nổi sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần tăng quy mô và chất lượng, nâng cao hình ảnh và uy tín của tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Tuy nhiên, quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cần có sự chung tay của các bên, không chỉ nỗ lực của riêng cơ quan quản lý, các đơn vị thành viên mà còn có sự chuẩn bị tích cực hơn từ phía doanh nghiệp về tuân thủ minh bạch thông tin, chất lượng thông tin khi tham gia sân chơi của thị thị trường mới nổi.
“Doanh nghiệp niêm yết sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn từ nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó cũng có thách thức vì doanh nghiệp khi đó sẽ cần nâng cao chất lượng công bố thông tin cũng như mức độ tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ việc công bố thông tin và các báo cáo cần là song ngữ, áp dụng IFRS. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh nhiều hơn với các doanh nghiệp khác ở nước ngoài”, bà Hiền cho biết.
Tại Hội thảo, đại diện các công ty chứng khoán cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các nút thắt trong quá trình nâng hạng, cũng như nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ghi nhận và nhất trí với các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, để đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường, chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố quyết định đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức xếp hạng FTSE Russell và MSCI. Việc công bố thông tin đúng, đủ, kịp thời, chính xác không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp.
“Muốn đi dài và đi xa, thì chúng ta phải minh bạch thị trường, minh bạch thông tin. Nhưng đường dẫn tới sân chơi này còn nhiều trở ngại”, Thứ trưởng nhận định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu, đối với doanh nghiệp về công bố thông tin, tăng cường thanh tra, giám sát công bố thông tin của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm và có những biện pháp xử lý nghiêm. Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
“Chúng ta phải làm kiên quyết, không ngừng nghỉ cho quá trình minh bạch thị trường vì thị trường không bao giờ nghỉ”, Thứ trưởng cho biết.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn