Hiệp định CPTPP đã tạo nên những đột phá cho ngành dệt may

Trước đây, doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khó tính rất khó khăn

8 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành dệt may đạt trên 32 tỷ USD, riêng thị trường CPTPP chiếm khoảng 16% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, chỉ sau Hoa Kỳ chiếm 30-40%.

Con số này cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đã có tăng trưởng đáng kinh ngạc, và CPTPP là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng vượt trội của ngành này.

ngành dệt may Việt Nam đang có những bước tiến tích cực nhờ sự hỗ trợ từ các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng mới. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, và tìm kiếm cơ hộ
8 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành dệt may đạt trên 32 tỷ USD.

Lý giải về nguyên nhân của tăng trưởng này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay, hiệp định CPTPP đã tạo nên những đột phá cho ngành này.

Cụ thể, các thị trường khó tính như Canada, New Zealand, Mexico chỉ khi có CPTPP mới có đột phá tăng trưởng, khi trước đây các doanh nghiệp tiếp cận rất khó khăn.

Hiệp định áp dụng quy tắc yarn-forward (từ sợi trở đi), theo ông Giang, đã mang đến cơ hội để thúc đẩy công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm của Việt Nam.

Theo quan điểm của ông Giang, nếu không có áp lực này ngành sợi của Việt Nam cứ "bình chân như vại" và đi sau một số nước khác. Chính nhờ Hiệp định này đã tạo ra yêu cầu đầu tư vào công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm, từ khi Hiệp định đi vào thực thi thì ngành công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm tăng trưởng rất mạnh.

Đặc biệt, theo Chủ tịch VITAS, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có mong muốn đến Việt Nam đầu tư sản xuất để tận dụng quy tắc xuất xứ lợi thế từ Việt Nam bán hàng cho các nhãn hàng nhập khẩu vào thị trường EU, CPTPP.

Đây là cơ hội để Việt Nam kêu gọi và thu hút đầu tư vào phần cung thiếu hụt, những khu công nghiệp sinh thái, lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước, tái chế xơ sợi, tái chế vải... để đáp ứng những yêu cầu của phát triển bền vững.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Text Hong, New Wide, Weixing, Bros Eastern, Jehong Textile… cùng doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Cát Tường đã đầu tư sản xuất sợi, sản xuất vải, sản xuất phụ liệu, đầu tư nhà máy nhuộm, đầu tư khu công nghiệp sinh thái dệt may tại Việt Nam.

Năm nay, quỹ Tín dụng Quốc gia Italy (CDP) cùng các doanh nghiệp nước này và Hiệp hội Máy dệt Đức (VDMA) cũng đã có cuộc tìm hiểu và kết nối giao thương với VITAS và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Lãnh đạo VITAS cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP đã định hình một xu thế phát triển đa dạng hóa thị trường có tính toàn cầu và cũng là mục tiêu mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam định hình trong 5 năm qua. Đó là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, khách hàng và đa dạng hóa sản xuất các mặt hàng.

Ông Giang dẫn chứng, trước đây ngành dệt may Việt Nam chưa bao giờ sản xuất những đơn hàng cho một dòng sản phẩm đơn lẻ. Tuy nhiên, hiện nay ngành dệt may Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp, nhà máy sản xuất sơ mi có thể sản xuất 8 triệu sản phẩm trong một năm phục vụ các đơn hàng đơn lẻ. Kể cả một ngành hàng đặc thù khó làm đơn lẻ như veston sản xuất công nghiệp thì bắt đầu hai năm vừa qua cũng sản xuất đơn hàng đơn lẻ.

Mặt khác, việc các nước đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe cho hàng nhập khẩu vào khối CPTPP, cũng như việc mua hàng trong bối cảnh thị trường châu Âu và Hoà Kỳ đặt ra, đòi hỏi ngành dệt may phải thay đổi xu hướng phát triển bền vững, phải tập trung vào sản phẩm phải có tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường…

Thiếu chính sách xanh hoá ngành dệt may

Là doanh nghiệp dệt may lớn, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) cho hay, các chính sách cụ thể để xanh hóa ngành dệt may vẫn còn thiếu và chưa triển khai đồng bộ.

Ảnh minh họa
Việt Nam đang thiếu chính sách cho ngành dệt may.

Quy hoạch, phát triển khu công nghiệp xanh cho ngành sợi, dệt, nhuộm chưa được chi tiết hóa. Khung pháp lý tài chính xanh như thị trường trái phiếu xanh, các công cụ huy động tài chính xanh mới như thị trường carbon chưa được hoàn thiện, khiến các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính và chưa khuyến khích các doanh nghiệp tích cực chuyển dịch xanh hóa.

Bên cạnh đó, mặc dù người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng ủng hộ vật liệu xanh, bền vững, nhưng nguồn cung chưa dồi dào, chi phí sản xuất cao hơn so với sản xuất truyền thống, kéo theo giá bán cao. Do vậy, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh nhìn chung còn yếu, các sản phẩm xanh sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống hiện hữu, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Thực tế, một công ty của Thụy Điển tiên phong trong nghiên cứu công nghệ và tái chế quần áo cũ thành nguyên liệu đầu vào kéo sợi viscose và lyocell, đã phải tuyên bố phá sản vào đầu tháng 3 vừa qua. Mặc dù, có cổ đông lớn nhất là hãng thời trang H&M, nhưng Renewcell vẫn bị phá sản do gặp nhiều khó khăn về đầu ra do cầu suy yếu, trong khi giá nguyên liệu tái chế cao.

Những vấn đề trên cho thấy để giải bài toán cân đối giữa chuyển đổi xanh và sự tồn tại của doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn như hiện nay không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Tóm lược những thách thức chung, Chủ tịch VITAS cho hay, có ba thách thức lớn khi thực thi Hiệp định CPTPP.

Đầu tiên là các tiêu chuẩn đánh giá. Hiện nay ngành dệt may và các doanh nghiệp trong ngành đang chịu áp lực lớn về các tiêu chuẩn đánh giá, mỗi nhãn hàng đặt ra một tiêu chuẩn đánh giá khác nhau về tính ổn định, tính bền vững và tính minh bạch trong chính sách lao động.

Do đó, theo ông Giang cho rằng các nước thành viên Hiệp định CPTPP cần xem xét để đưa ra một tiêu chuẩn đánh giá thống nhất trong khối CPTPP giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp khi phải đáp ứng những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau của các nhãn hàng, nhà nhập khẩu.

Thách thức thứ hai liên quan đến các tiêu chuẩn kép. Hiện nay một loạt những tiêu chuẩn kép đặt ra những thách thức trong vấn đề bán hàng của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường khối CPTPP.

Thách thức thứ ba là vấn đề mua hàng và phương thức thanh toán. Bây giờ hầu hết các nhãn hàng trên toàn cầu, trong đó có các nhãn hàng trong khối CPTPP mua hàng của doanh nghiệp dệt may Việt Nam và rủi ro trong thanh toán là một thách thức lớn.

"Trước đây còn áp dụng phương thức thanh toán L/C (Letter of Credit) nhưng bây giờ tất cả thanh toán bằng phương thức TT trả chậm 40 ngày, 60 ngày, 80 ngày, thậm chí có những đơn hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chấp nhận trả chậm thanh toán 120 ngày. Đây là áp lực rất lớn cho chúng tôi", ông Giang thông tin và cho biết các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam phải đàm phán với các nhà mua hàng để hạn chế rủi ro tối thiểu nhất cho chính các doanh nghiệp.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn