Hiệu quả hơn nhờ thanh toán tập trung giữa Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng

Tăng giá trị và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Theo KBNN, luỹ kế thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 8/2024 đạt hơn 1,35 triệu tỷ đồng, gần bằng 80% dự toán. KBNN đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, chỉ đạo KBNN địa phương tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, KBNN tiếp tục triển khai thanh toán song phương điện tử ổn định và không ngừng mở rộng. Tính đến tháng 7/2024, hệ thống KBNN đã thực hiện thanh toán song phương điện tử với 18 hệ thống ngân hàng thương mại với hơn 830 tài khoản thanh toán và gần 2.590 tài khoản chuyên thu, tương ứng với tổng số gần 700 đơn vị KBNN các cấp.

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã yêu cầu hình thành Kho bạc điện tử, kho bạc “3 không” (không tiền mặt, không hồ sơ chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch).

Chiến lược cũng đặt ra yêu cầu đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong công tác thu ngân sách nhà nước. Nắm bắt được xu hướng này, chính các ngân hàng thương mại đã thay đổi, chuyển đổi mô hình để hợp tác với KBNN trong thanh toán.

Mới đây, từ tháng 4/2024, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã triển khai thu ngân sách nhà nước qua kênh thanh toán song phương điện tử với KBNN.

Theo Eximbank, khách hàng có thể nộp thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu và các loại biên lai thu khác tại quầy giao dịch của Eximbank trên toàn quốc hoặc qua website của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và sẽ được các cơ quan xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước nhanh chóng do dữ liệu được ngân hàng truyền trực tiếp tới KBNN và cơ quan thu.

Trước đó vào năm 2023, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng triển khai thu ngân sách nhà nước qua kênh thanh toán song phương điện tử với KBNN trên phạm vu toàn quốc.

OCB nhấn mạnh việc triển khai sẽ đảm bảo đúng quy trình nghiệp vụ, an toàn và bảo mật nhằm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy xã hội hóa việc thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.

Các doanh nghiệp cũng nhận xét, phương thức thanh toán này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch, tăng cường khả năng kiểm soát các khoản thanh toán và tạo sự thuận tiện trong việc quản lý dòng tiền. Doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến 24/7 mà không cần qua trung gian, từ đó giảm thời gian chờ đợi và hạn chế sai sót.

Vì thế, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (KBNN) cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để mở rộng số lượng ngân hàng triển khai thanh toán song phương điện tử.

Hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cùng với những bước tiến mạnh mẽ này, KBNN cần đi trước một bước trong cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, đặc biệt cải cách mô hình thanh toán theo hướng tập trung và chuyên môn hóa cao, phù hợp với các yêu cầu của sự phát triển công nghệ số.

Trong đó, đáng lưu ý, Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN đảm bảo minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ…

Đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước.

KBNN cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện thí điểm việc liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ bao gồm: Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) - Thanh toán song phương điện tử, qua đó nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức KBNN.

Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên dịch vụ công trực tuyến để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị Kho bạc ký duyệt trên chương trình dịch vụ công trực tuyến, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, thanh toán song phương điện tử và tự động chuyển sang ngân hàng thương mại mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây.

Vì thế, báo cáo mới đây của KBNN cho biết đã trình Bộ Tài chính về Đề án mô hình thanh toán tập trung giữa KBNN với các ngân hàng thương mại. Khi được thông qua và triển khai, Đề án được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động thanh toán, quản lý thanh toán của KBNN được tập trung, nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn