Hiệu quả kinh doanh khu công nghiệp ngược kỳ vọng
Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh chiến lược “Trung Quốc +1” và tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất nhằm giảm thiểu các rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và tình hình thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Bối cảnh cho thấy các nhà phát triển dự án khu công nghiệp dường như sẽ hưởng lợi rất lớn từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào mạnh và giá thuê đất công nghiệp tăng.
Chứng khoán Vietcombank đánh giá Việt Nam đang sở hữu loạt lợi thế đáng kể trong việc thu hút FDI như chi phí sản xuất kinh doanh thấp, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cùng chi phí lao động vẫn khá cạnh tranh khi thu hút các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thâm dụng lao động.
Nhưng thực tế cho thấy chỉ có một vài doanh nghiệp hưởng lợi trong thời gian qua, thậm chí một số doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp còn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh phân hóa
Vừa qua, Tổng công ty Viglacera đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần giảm 31% còn 2.712 tỷ đồng và lãi gộp cũng giảm tới 46%, còn 654 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí kinh doanh, Viglacera lãi ròng 171 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế sáu tháng đầu năm, doanh thu thuần của Viglacera đạt 5.351 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 365 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 54% so với quý II/2023.
Theo dữ liệu báo cáo tài chính, mảng cho thuê đất khu công nghiệp đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm của Viglacera với tỷ trọng 30% nhưng giá trị lại suy giảm tới 40% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.627 tỷ đồng.
Không chỉ Viglacera, một “ông lớn” khác trong ngành là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu thuần 892 tỷ đồng và lãi ròng 237 tỷ đồng, lần lượt giảm giảm 62% và 76% so với cùng kỳ.
Luỹ kế nửa đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận 1.044 tỷ đồng doanh thu và hơn 151 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 77% và 92% so với nửa đầu năm 2023. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng - mảng kinh doanh cốt lõi của tổng công ty là hơn 531 tỷ đồng, giảm tới 88% so với nửa đầu năm ngoái.
Như vậy, Kinh Bắc mới hoàn thành được 14% mục tiêu doanh thu và 5% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm sau sáu tháng.
Trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Viglacera và Kinh Bắc cùng cho biết, kết quả kinh doanh kém tích cực chủ yếu do sự suy giảm của doanh thu từ mảng khu công nghiệp.
Kết quả kinh doanh mảng khu công nghiệp của hai doanh nghiệp trên được giới đầu tư cho là “kém thuyết phục” khi đặt cạnh các “ông lớn” khác cùng ngành như Sonadezi Châu Đức – doanh nghiệp vừa báo lãi sau thuế 65 tỷ đồng, tăng 454% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nhấn trong kỳ này của Sonadezi là giá vốn giảm sâu giúp đem về lãi gộp gần 150 tỷ đồng, tăng 9%. Biên lãi gộp qua đó tăng từ 48% lên 57%, là mức cao nhất từ quý I/2022.
Tập đoàn Cao su Phước Hòa cũng ghi nhận doanh thu hơn 186 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng tăng tới 79%, đạt gần 21 tỷ đồng trong quý II/2024.
Đối với Tổng công ty Idico, mặc dù ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận sụt giảm khoảng 10% nhưng mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 46% tổng doanh thu nửa đầu năm của Idico, đạt 2.127 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, sự phân hóa về kết quả kinh doanh là khá rõ nét sau kỳ công bố báo cáo tài chính bán niên của các công ty. Trong đó, các doanh nghiệp khu vực phía Nam phần nào chiếm ưu thế với số liệu tích cực hơn.
Nguyên nhân phân hóa và triển vọng ngành
Báo cáo mới đây của CBRE cũng chỉ ra vài điểm sáng của ngành, theo đó, cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện nhằm thúc đẩy công nghiệp đất, công nghiệp ghi nhận giá chào thuê tăng nhẹ khi diện tích hấp thụ ở ngưỡng vừa phải.
Đáng chú ý, tổ chức này đánh giá mảng nhà xưởng xây sẵn tiếp tục ghi nhận nhu cầu khả quan, trong khi hấp thụ nhà kho xây sẵn tại miền Nam tăng trưởng mạnh trong sáu tháng đầu năm 2024.
Trước đó, nhận định về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera cho rằng năm 2024 chưa khởi sắc. Tuy nhiên, triển vọng thị trường sẽ tốt dần lên nhờ ba luật liên quan đến bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Chung nhận định về việc thị trường đã “qua đáy”, báo cáo mới của công ty chứng khoán KBSV đánh giá mặt bằng giá thuê khu công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức cao.
Trong quý I/2024, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh cấp 1 lần lượt ghi nhận ở mức 83% và 92%. Đồng thời, giá cho thuê trung bình cho các thị trường cấp 1 tiếp tục tăng, ở miền Bắc đạt 133 USD/m2/kỳ hạn còn lại (tăng 7,8%) và ở miền Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại (tăng 2,4%).
Tổ chức này dự báo giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng nhờ nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành khi dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực và nguồn cung tăng chậm, đặc biệt tại các tỉnh cấp 1 trong khi tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức cao.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có sự phân hóa khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng ở mức cao, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng đi ngang, thậm chí là âm so với cùng kỳ.
Nguyên do bởi các dự án mới chậm tiến độ đưa vào khai thác/chậm hoàn thành nhiều thủ tục pháp lý, dẫn đến quỹ đất nhiều doanh nghiệp cạn kiệt và tốc độ bàn giao đất sẵn có chậm hơn dự kiến do vướng mắc từ phía thuê hoặc do tỉnh đã hết chỉ tiêu đất khu công nghiệp.
Việc nguồn cung đất khu công nghiệp hiện nay đang ở mức thấp và tốc độ tăng trưởng chậm do các vướng mắc pháp lý được kỳ vọng có thể khắc phục trong thời gian tới nhờ tác động tích cực từ quy hoạch nhiều tỉnh thành đã và đang được thông qua, quyết định của Thủ tướng về chỉ tiêu sử dụng đất và nghị định của Chính phủ ban hành về phương pháp định giá đất.
Xem thêm tại theleader.vn