Hiểu thế nào về thông tin nhà đầu tư PPP giao thông "gánh" nợ ngân hàng

HHV đang quản lý, vận hành, thu phí các Dự án: hầm đường bộ qua Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2, hầm Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.
HHV đang quản lý, vận hành, thu phí các dự án: hầm đường bộ qua Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2, hầm Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.

Các dự án hạ tầng giao thông được thực hiện bằng hình thức BOT trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021) đều không có sự tham gia của vốn nhà nước hỗ trợ cấu phần xây lắp.

Cơ cấu nguồn vốn để thực hiện các dự án BOT theo quy định tại thời điểm đó là phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư từ 15 - 20% tổng mức đầu tư, còn lại là phần vốn nhà đầu tư huy động. Trong khi đó, các dự án hạ tầng giao thông có quy mô rất lớn, tổng vốn đầu tư thấp nhất cũng vài nghìn tỷ đồng, có những dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) được biết đến là một trong những nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam hiện nay.

HHV đã và đang tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm: chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn… các công trình này đều  đã về đích đúng hẹn và đang tạo ra giá trị thực cho xã hội.

Điểm đặc biệt của các dự án do HHV đầu tư đều được khởi tạo từ các nhà đầu tư khác mà Đèo Cả chỉ là một thành viên. Những dự án này có đặc điểm chung là tổng mức đầu tư lớn, vướng mắc cơ chế - chính sách hay nhà đầu tư bị xử lý hình sự khiến tiến độ thi công bị đình trệ.

Được biết, dư nợ ngân hàng của HHV hiện nay khoảng 20.000 tỷ đồng, tuy nhiên phía doanh nghiệp này khẳng định khoản nợ được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.

Đại diện HHV cho biết “Đặc thù của công ty là đầu tư các công trình công với tổng mức đầu tư rất lớn, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công thường chỉ 10 - 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty hiện là 24%. Bên cạnh đó, các khoản vay của công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT, các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện trên cơ sở doanh thu thực tế, do đó, điều này không ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp”.

Trao đổi quanh vấn đề doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông có dư nợ cao ở các ngân hàng, TS.Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, không chỉ các dự án BOT giao thông trước đây, ngay cả những dự án hạ tầng giao thông triển khai sau khi Luật PPP được ban hành, dù đã có phần vốn nhà nước hỗ trợ (tối đa lên đến 50%) thì các nhà đầu tư cũng đều phải huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Lý do là các dự án giao thông có tổng vốn rất lớn, nếu chỉ dùng phần vốn tự có của doanh nghiệp thì không doanh nghiệp nào ở Việt Nam có thể làm được. Vì thế, việc các nhà đầu tư hạ tầng giao thông huy động vốn tín dụng để thực hiện dự án thì việc dư nợ ngân hàng là hiển nhiên.

“Các doanh nghiệp huy động vốn từ các tổ chức tín dụng hay các nguồn khác để đầu tư hạ tầng giao thông là sự thật hiển nhiên và phù hợp với quy định hiện hành cũng như thông lệ quốc tế. Việc các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông có dư nợ ở các ngân hàng là điều rất bình thường. Những cam kết, nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng từ dự án giao thông vẫn được thực hiện và đảm bảo thì việc một số người cho rằng nhà đầu tư PPP giao thông dư nợ lớn, hàng chục nghìn tỷ đồng ở ngân hàng do làm ăn thua lỗ là hoàn toàn không chính xác, thông tin mang tính suy diễn", ông Thế chia sẻ.

Với việc HHV tiếp tục đầu tư vào các dự án như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng), cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (tổng mức đầu tư gần 11.200 tỷ đồng). Đèo Cả đã thực hiện giải pháp hợp lực nhiều nguồn vốn khác nhau từ đề xuất tăng phần vốn nhà nước, huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp đầu tư đồng thời là nhà thầu thi công… thông qua mô hình PPP ++. Chắc chắn HHV sẽ tiếp tục vay vốn dài hạn với cơ cấu vốn tham gia hợp lý cho từng dự án.

Chia sẻ về trách nhiệm của các bên khi đồng hành với Đèo Cả và cách mà Đèo Cả đã kiên định giải những bài toán khó về tài chính. Ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong - CN Thăng Long (TP Bank) cho biết, TP Bank đã có quá trình thẩm định năng lực của Đèo Cả một cách thấu đáo, kỹ càng. Đèo Cả đã chứng minh việc đối mặt giải quyết nhiều dự án vướng mắc, bị đình trệ, giá cả biến động… hay các thông tin nợ lớn, nợ xấu mà nguyên nhân không phải từ doanh nghiệp.

“Kết quả được minh chứng cụ thể bằng việc Đèo Cả đã hoàn thành các dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và đang thực hiện nhiều dự án đầu tư công khác với chi phí luôn được tiết giảm, tiến độ - chất lượng luôn đảm bảo. Tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, vốn nhà nước tham gia 0 đồng, bỏ đi 1 trạm thu phí đã cam kết, ngân hàng cho vay lại dừng giải ngân nửa chừng, các nhà đầu tư khác bỏ mặc… nhưng Đèo Cả vẫn kiên trì giải quyết và hoàn thành dự án đúng kế hoạch”, ông Đức nói.

Xem thêm tại baodautu.vn