Hỗ trợ tăng trưởng, ngân hàng tìm cách đẩy vốn tín dụng ra ngay từ đầu năm
Để đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% của Chính phủ năm 2025, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến kinh tế thực tế. Hiện các ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng mới và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy dòng vốn ngay từ đầu năm.
Với mức tăng trưởng GDP phấn đấu trên 8%, các ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều dư địa đẩy tín dụng trong năm nay. Bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu và vay phục vụ đời sống, tiêu dùng được dự báo sẽ là ba lĩnh vực động lực tăng trưởng tín dụng cao nhất năm nay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết mức tăng trưởng 8% trở lên của năm 2025 là con số rất ấn tượng mà Chính phủ đặt ra và để có được mức tăng trưởng này thì đòi hỏi rất nhiều chính sách cũng như giải pháp đồng bộ tất cả các lĩnh vực.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo các ngân hàng thương mại. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)](https://media.vietnamplus.vn/images/f37048a74be56adae22ed7d15c394ffa8b24c0f8d108fb5953262930ff594381ba9230ce98fd4dc47a58ef58ba988d167dc5b06c3e4a671dc36f10f4a25c3141/ttxvn-1102-ngan-hang-13.jpg.webp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực phát triển đất nước.
"Muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, mà muốn đầu tư thì phải có vốn để bảo đảm phát triển. Năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP," Phó Thống đốc phân tích và cho biết năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% (tăng thêm khoảng 1% so năm 2024) cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%.
"Vấn đề làm sao phải có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025," Phó Thống đốc lưu ý.
Để hỗ trợ tăng trưởng GDP, năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế cấp room tín dụng. Nhờ được cấp room tín dụng sớm, nhiều ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng tốc tín dụng từ đầu năm.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,6%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn. Đáng chú ý, quy mô gói tín dụng này lên tới 250.000 tỷ đồng, được ngân hàng áp dụng ngay từ đầu năm.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa công bố gói tín dụng ưu đãi lên đến 110.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân. Đây được xem là bước đi chiến lược của ngân hàng này trong việc kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Theo Agribank, trong gói tín dụng này, ngân hàng dành riêng 30.000 tỷ đồng cho các khoản vay phục vụ đời sống, với lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 4,5%/năm, thấp hơn tối đa 1% so với lãi suất thông thường và 6%/năm đối với khoản vay trung dài hạn được áp dụng trong giai đoạn đầu.
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tạo động lực tiêu dùng hàng hóa nội địa, Agribank cũng phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong gói tín dụng này nhằm hỗ trợ khách hàng đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, Agribank thiết kế gói 50.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động nhanh chóng cho các cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ lẻ với lãi suất; gói 20.000 tỷ đồng cho các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất từ 6%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân thực hiện các kế hoạch đầu tư lớn hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh lâu dài.
“Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác vừa nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về cách tính chỉ tiêu tín dụng năm 2025. Theo cách tính này, năm 2025, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng 13%. Kết thúc năm 2024, quy mô tín dụng của Agribank là hơn 1,7 triệu tỷ đồng; như vậy, năm 2025, Agribank có thể bơm thêm 230.000 tỷ đồng ra nền kinh tế,” bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay.
Không chỉ riêng 2 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang lên kế hoạch giải ngân vốn ngay từ đầu năm với các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng nhóm khách hàng ưu tiên.
Các chuyên gia cho rằng dù tăng trưởng ở mức nào, thì bất động sản và hạ tầng đều được coi là động lực tăng trưởng tín dụng năm nay. Ngoài ra, tín dụng xuất khẩu - đặc biệt là xuất khẩu nông sản - cũng được kỳ vọng tiếp tục duy trì được tốc độ, ngay cả khi thương chiến xảy ra.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng để “đẩy” tín dụng, năm nay, các ngân hàng tập trung cho vay các dự án hạ tầng và cho vay bất động sản, đặc biệt là bất động sản ăn theo trục giao thông công cộng, các nhà ga, đô thị nhỏ… vệ tinh của các đại dự án.
“Ngân hàng cần mở rộng tín dụng hướng vào các loại bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, phát triển các nhà ga, các đô thị nhỏ gắn liền với các nhà ga, đường sắt,” ông Nghĩa khuyến nghị.
Các chuyên gia của VinaCapital cũng cho biết Chính phủ dự định sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2025 bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng. Tổng hòa việc đẩy mạnh đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.
VinaCapital dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025. Trong số đó, tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm 2024 lên 15% năm nay. VinaCapital cũng kỳ vọng các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay các dự án hạ tầng, cho vay kinh doanh bất động sản, nhất là khi thị trường này tiếp tục phục hồi.
Về phía nhà điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết năm 2025, trong điều hành hạn mức tín dụng, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng 16% nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép, và đạt mục tiêu tăng trưởng. Phương thức điều hành quản lý hạn mức này đã có đổi mới trong năm 2024 và tiếp tục đổi mới và tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại trong năm 2025.
"Nếu cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh của ngân hàng thì việc chủ động được nâng cao. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế," Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Phó Thống đốc cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp khó khăn trong bão số 3 (bão Yagi), các chính sách tín dụng ưu đãi khác, lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Xem thêm tại vietnamplus.vn