Hòa Bình (HBC) và cú chuyển mình về lượng trên BCTC: Nếu 'Lê Lai' không kịp thời 'cứu Chúa'...

Hòa Bình (HBC) và cú chuyển mình về lượng nửa đầu năm 2024: Nếu 'Lê Lai' không kịp thời 'cứu Chúa'...
Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình - ông Lê Viết Hải (bìa trái)

Hòa Bình - cú chuyển mình về lượng

Trải qua 4 quý kinh doanh sóng gió (quý IV/2022 - quý III/2023) ngay sau khi xung đột ghế HĐQT giữa nhóm ông Nguyễn Công Phú và nhóm Chủ tịch Lê Viết Hải nổ ra (cuối năm 2022 - đầu năm 2023), tình hình kinh doanh của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HoSE) ghi nhận những tín hiệu khởi sắc trở lại.

Cụ thể, ông lớn "làng thầu" xây dựng ghi nhận khoản lãi sau thuế 101,3 tỷ đồng trước khi khóa sổ năm 2023, mở đầu năm 2024 bằng mức lãi 56,6 tỷ đồng trước khi báo lãi tăng 12,1 lần trong quý ngay sau đó.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất, lợi nhuận sau thuế quý II/2024 mà ông Lê Viết Hải và khoảng 1.700 cộng sự đã tạo ra lên tới 684,4 tỷ đồng - mức cao kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán tháng 12/2006.

Tạm tính, chỉ sau ba quý, Hòa Bình đã thu về hơn 842 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - con số không hề dễ bắt gặp ở ngay chính công ty cũng như nhóm thầu xây dựng đang niêm yết trên sàn.

Doanh nghiệp được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đang chuyển mình?

Đúng! Nhưng... chưa đủ.

Với gần 741 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024 - tích cực hơn khoản lỗ 713 tỷ đồng của bán niên 2023, Xây dựng Hòa Bình đã vượt rất xa kế hoạch cả năm (chỉ 433 tỷ đồng). Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nếu không có lãi trong năm này, rất có thể 347,2 triệu cổ phiếu HBC sẽ phải tạm biệt sàn HoSE do công ty đã lỗ trong liên tiếp hai năm trước đó.

Hòa Bình (HBC) và cú chuyển mình về lượng nửa đầu năm 2024: Nếu 'Lê Lai' không kịp thời 'cứu Chúa'...
KQKD của Xây dựng Hòa Bình 4 năm gần nhất

Nếu "Lê Lai" không kịp thời "cứu Chúa"...

Soi xét chi tiết vào bản báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Điều dễ thấy là việc Hòa Bình đã chuyển từ trạng thái lỗ quý và bán niên 2023 sang có lãi, thậm chí lãi rất đậm.

Đóng góp cho dấu ấn tăng trưởng lợi nhuận bán niên năm nay đến từ khoản đột biến 518 tỷ đồng "lợi nhuận khác", gấp hơn 87 lần cùng kỳ. Phần lớn nguồn thu này đến từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (503 tỷ đồng).

Mặt khác, HBC cũng ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng tới 580% YoY lên mức 160 tỷ đồng với điểm nhấn là 128 tỷ đồng "lãi bán các khoản đầu tư".

Điều đáng nói ở chỗ, "chi phí hoạt động" - khoản mục thường xuyên bào mòn lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp xây dựng bất ngờ trở thành điểm nhấn chính của Hòa Bình. Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình thu về cả trăm tỷ đồng, qua đó đóng góp trực tiếp vào lợi nhuận sau cùng.

Dù chịu tới 257 tỷ đồng chi phí tài chính, chi phí bán hàng và khoản lỗ từ công ty liên doanh liên kết, tuy nhiên, HBC bất ngờ được hoàn nhập dự phòng hơn 241 tỷ đồng khoản mục "chi phí quản lý doanh nghiệp. Sau cùng, tổng chi phí hoạt động phải chi cho nửa đầu năm chỉ là 16 tỷ đồng - giảm tới 904 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Trái chiều, dù doanh thu thuần cải thiện lên mức 3.811 tỷ đồng song phần lợi nhuận gộp Hòa Bình thu về lại giảm tới 35% YoY, còn 121 tỷ đồng; biên lãi gộp còn 3,17%. Nếu chỉ tính riêng quý II, lợi nhuận gộp đã giảm tới 74,4% YoY còn 100 tỷ đồng.

nguii.jpg
Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đặt tham vọng gia tăng "xuất khẩu xây dựng" ra thế giới trong thời gian tới

Xét trong bốn quý gần nhất, con số này là mức tương đối khả quan, thậm chí gần bằng tổng lợi nhuận gộp của ba quý trước đó cộng lại. Dù vậy, đây vẫn là một con số quá khiêm tốn.

Giả định, nếu doanh thu tài chính không tăng mạnh, nếu chi phí hoạt động không giảm sâu, nếu không có khoản thu nhập khác "khổng lồ", mức lãi gộp 100 tỷ đồng sẽ là không đủ để giúp doanh nghiệp của Chủ tịch Lê Viết Hải thoát lỗ bán niên 2024. Một mức lỗ nặng trăm tỷ hoàn toàn có thể khiến nhiệm vụ giữ cổ phiếu ở lại sàn HoSE của công ty trở nên khó khăn hơn nữa.

Áp lực lớn từ đòn bẩy tài chính

Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, nhờ bổ sung khoản lãi hàng trăm tỷ cùng với động thái tăng vốn cổ phần trong nửa đầu năm, vốn chủ sở hữu của HBC đã tăng khoản 1.460 tỷ đồng lên mức 1.567 tỷ qua đó tránh khỏi nguy cơ bị âm vốn chủ sở hữu so với mức 93,4 tỷ đồng hồi đầu năm.

Tổng tài sản của Hòa Bình tăng nhẹ lên mức 15.631 tỷ đồng. Tuy nhiên, có tới 84,3% cơ cấu nguồn vốn đang "nằm chờ" trong danh mục khoản phải thu và hàng tồn kho (tổng cộng 13.181 tỷ đồng).

Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp dù giảm song vẫn còn gần 14.100 tỷ đồng (bao gồm gần 4.500 tỷ đồng nợ vay tài chính). Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 9 lần; tỷ lệ nợ vay/vốn chủ cũng gần mức 3 lần.

Với những thông số đòn bẩy kể trên, Xây dựng Hòa Bình sẽ làm gì với số "tiền tươi" chỉ chưa đầy 330 tỷ?

Hòa Bình (HBC) và cú chuyển mình về lượng nửa đầu năm 2024: Nếu 'Lê Lai' không kịp thời 'cứu Chúa'...
Nhiều thông số của Xây dựng Hòa Bình đạt mức rất thấp so với trung bình ngành (Nguồn VNDirect)

Hơn 3.900 tỷ đồng là giá trị các khoản vay nợ gốc ngắn hạn đang chờ được Hòa Bình thanh toán. Trong số này, BIDV và Vietinbank là những chủ nợ lớn nhất với lần lượt 2.079 tỷ đồng và 1.293 tỷ đồng.

Với tỷ lệ đòn bẩy tài chính ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhóm xây dựng, với sức khỏe tài chính chỉ tương tự như "người vừa ốm dậy", không dễ để "ông lớn làng thầu" huy động được một lượng vốn khủng cho việc repo các khoản nợ vay sắp tới hạn.

Cần nhấn mạnh rằng, đến cuối quý II/2024, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của HBC dù đã giảm mạnh song vẫn còn gâm 78 tỷ.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn