Hoá giải thách thức, thêm cơ sở pháp lý để áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS

Việt Nam đang trên chặng đường tiến tới IFRS

Hiện nay, đa số doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS). Theo các chuyên gia, việc áp dụng chuẩn mực IFRS trong báo cáo tài chính sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch hơn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ cải cách tài chính. Bà Đặng Thị Mai Trang, Trưởng Đại diện Văn phòng đại diện ICAEW Việt Nam nhận định, Việt Nam đang trên chặng đường tiến tới áp dụng IFRS.

Ông Đoàn Xuân Tiên, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, việc áp dụng IFRS là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế đất nước và góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành kế toán và kiểm toán tại Việt Nam.

Ông Đoàn Xuân Tiên, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, việc áp dụng IFRS là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế đất nước và góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành kế toán và kiểm toán tại Việt Nam.

Vì thế, việc chuyển đổi từ chuẩn mực VAS sang IFRS không chỉ là một thách thức đối với các doanh nghiệp mà còn là một nhiệm vụ quan trọng đối với Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý.

Trước đó, từ năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, trong đó đề ra 2 giai đoạn áp dụng là tự nguyện và bắt buộc đối với các nhóm doanh nghiệp cụ thể tại Việt Nam.

Giai đoạn áp dụng tự nguyện là từ 2022-2025 cho báo cáo hợp nhất của các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty lớn chưa niêm yết, hay báo cáo tài chính riêng của công ty FDI. Giai đoạn áp dụng bắt buộc là sau năm 2025. Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế để quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS trong lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, việc chuyển đổi sang IFRS của các doanh nghiệp hiện nay còn nhiều thách thức liên quan đến đào tạo và tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ kế toán, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu triển khai IFRS, các văn bản quy phạm pháp luật chưa được thống nhất, thị trường vốn và thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh…

Thêm cơ sở pháp lý vững chắc

Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Kế toán là: “Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán của Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; hướng dẫn đối tượng, phạm vi, thể thức, lộ trình và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán”.

Theo các chuyên gia, quy định này sẽ có tác động lớn đến việc chuyển đổi và áp dụng chuẩn mực IFRS tại Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung này không chỉ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Bộ Tài chính xây dựng lộ trình và hướng dẫn áp dụng các chuẩn mực quốc tế mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong quá trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS, bởi trước đó việc áp dụng IFRS tại Việt Nam chỉ dựa trên các quyết định của Bộ Tài chính và các hướng dẫn mang tính chỉ đạo.

Bên cạnh việc tạo cơ sở pháp lý cho Bộ Tài chính, quy định mới này cũng sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp có giao dịch quốc tế. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi sớm hơn và áp dụng IFRS một cách chủ động hơn.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã và đang chủ động chuyển đổi để nâng tầm báo cáo tài chính. Trong tháng 10/2024, DIC Corp (DIG) đã tổ chức tập huấn về IFRS, chuẩn bị cho kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn này trong thời gian tới. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và thủy sản như PVTrans (PVT), Nam Việt (ANV), Minh Phú (MPC) cũng đã bắt đầu triển khai lộ trình IFRS…

Ông Đoàn Xuân Tiên cho hay, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã cung cấp các chương trình đào tạo IFRS chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thực tế của thị trường Việt Nam; qua đó nâng cao năng lực cho đội ngũ kế toán, kiểm toán viên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS, giúp các doanh nghiệp xây dựng báo cáo tài chính minh bạch và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, ông Tiên cho biết, Hiệp hội cũng khuyến khích các hoạt động nghiên cứu liên quan đến IFRS nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn đất nước.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam cũng chia sẻ, với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực kiểm toán và đội ngũ chuyên gia hàng đầu, PwC Việt Nam sẽ thiết kế các tài liệu đào tạo kết hợp giữa các kiến thức về chuẩn mực IFRS và kinh nghiệm triển khai thực tế tại Việt Nam.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn