Hòa Phát (HPG) lãi 3.300 tỷ đồng trong quý I/2025, dự án Dung Quất 2 đã bắt đầu cho sản phẩm

Sáng 17/4, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại Hà Nội.

Hòa Phát (HPG) lãi 3.300 tỷ đồng trong quý I/2025, dự án Dung Quất 2 đã bắt đầu cho sản phẩm
Hình ảnh tại cuộc họp

Chia sẻ tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết doanh thu quý I đạt 37.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng – bám sát kế hoạch đề ra. Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 25% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Ông Long cũng thông báo tập đoàn đã hoàn thành giai đoạn đầu dự án Dung Quất 2 và cho ra lò những sản phẩm đầu tiên. Dự án khởi công từ năm 2022, có tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, quy mô 280ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm. Hòa Phát dự kiến sẽ vận hành toàn bộ dự án trong năm nay, nâng tổng công suất lên 15 triệu tấn/năm.

Tại đại hội, cổ đông tiếp tục đặt câu hỏi về nhiều vấn đề đáng chú ý như chính sách thuế, thép đường ray, khả năng tiêu thụ sản phẩm khi nhà máy đi vào vận hành, kế hoạch cổ tức...

Sự kiện năm nay ghi nhận hơn 1.000 người tham gia trực tiếp – con số kỷ lục từ trước đến nay. Hòa Phát hiện có hơn 190.000 cổ đông, là doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất trên thị trường chứng khoán, được mệnh danh là “công ty quốc dân”.

Năm 2025 được xem là năm bản lề đối với Hòa Phát, trong bối cảnh ngành thép toàn cầu đối mặt với làn sóng bảo hộ thương mại gia tăng. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Mexico, Australia, Canada, Ấn Độ... đang siết chặt rào cản đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam. Hòa Phát không nằm ngoài vòng xoáy này khi Mỹ đã chính thức áp thuế 25% lên thép nhập khẩu, đồng thời Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ 49,42% với sản phẩm tôn mạ của Tập đoàn.

Ở chiều ngược lại, thị trường trong nước mở ra cơ hội mới khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng và tôn mạ có xuất xứ Trung Quốc. Biện pháp phòng vệ thương mại này được kỳ vọng giúp Hòa Phát gia tăng thị phần nội địa.

Song song đó, Hòa Phát vừa công bố triển khai dự án thép quy mô lớn tại Phú Yên với tổng vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm. Dự án dự kiến hoàn thành trong 3 năm, được xem là mũi nhọn tiếp theo trong chiến lược mở rộng sản xuất của Tập đoàn.

Đáng chú ý, Hòa Phát cũng thể hiện rõ tham vọng tham gia các siêu dự án hạ tầng quốc gia, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao – lĩnh vực có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 100 tỷ USD trong thập kỷ tới. Câu hỏi đặt ra là: Hòa Phát đã chuẩn bị đến đâu và liệu có đủ năng lực để góp mặt vào “miếng bánh” hạ tầng khổng lồ này?

Xem thêm tại nguoiquansat.vn