Hòa Phát (HPG) nói ‘lời buông tay’ với dự án khai thác ‘kho báu’ bô xít tại Đắk Nông

ĐHCĐ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) diễn ra sáng 11/4 đã thành công. Ngoài những tờ trình thông thường về kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh năm 2024… thì điểm khác duy nhất là công ty bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Sôi động nhất trong Đại hội là phần thảo luận. Gần 400 cổ đông tham dự, mang theo rất nhiều câu hỏi gửi tới lãnh đạo công ty. Hòa Phát cũng dành nhiều thời gian nhất cho giai đoạn hỏi đáp nên lựa chọn việc không đọc các tờ trình, để cổ đông tự tải tài liệu nghiên cứu.

Buông tay kho báu bô xít Đắk Nông

Như “câu chuyện truyền kỳ”, ĐHCĐ năm nay cổ đông lại đưa chuyện đầu tư nhà máy tuyển bô xít tại Đắk Nông ra hỏi về tiến độ, về dự định của doanh nghiệp.

Lần đầu tiên từ bô xít được nhắc tới là tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, trước các tin đồn về việc Hòa Phát cam kết đầu tư tổ hợp nhà máy tuyển bô xít - điện phân nhôm và nhà máy điện gió tại Đắk Nông. Cụ thể, thông tin cho biết Hòa Phát đề xuất đầu tư các dự án alumi công suất 2 triệu tấn/năm, nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm…

Trả lời tại Đại hội năm đó, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định “đây là câu chuyện dài”, công ty đang ở bước đến Đắk Nông để khảo sát thực địa vị trí đặt nhà máy. Thời điểm đó Hòa Phát chưa có kế hoạch vốn hay các kế hoạch chi tiết cho dự án này.

Screenshot 2024-04-11 at 18.34.15

ĐHCĐ năm nay 2024, vấn đề tiếp tục được đưa ra hỏi. Tuy vậy lần này, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định chắc chắn “đã buông tay”. Theo đó, ông Long cho biết cách đây không lâu phía lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng đã có cuộc trao đổi về tiến độ khảo sát của Hòa Phát; và phía Hòa Phát đã trả lời dứt khoát không tham gia tiếp “để tỉnh có phương án tìm nhà đầu tư phù hợp”.

Một trong những nguyên nhân tỷ phú Trần Đình Long đưa ra cho việc “buông tay” này là chi phí đầu tư quá lớn, trong khi công ty đang tập trung nguồn lực cho mảng thép.

Kho báu tỷ đô dành lại cho ai?

Không chỉ Hòa Phát có động thái, mỏ bô xít ở Đắk Nông đã thu hút sự quan tâm của không ít các ông lớn. Hóa chất Đức Giang (DGC) trước đó cũng đã có báo cáo nhanh với tỉnh Đắk Nông về việc nghiên cứu, khảo sát một số dự án trên địa bàn tỉnh, khảo sát vị trí mỏ bô xít và kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến alumin.

Hóa chất Đức Giang ước tính dự án tổ hợp nhôm Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít và 3 nhà máy chế biến quặng tinh, tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng.

Thaco, Việt Phương cũng được cho là đang “nhắm” tới mỏ vàng bô xít này ở Đắk Nông.

8

UBND tỉnh Đắk Nông mới công bố 12 mỏ bô-xít là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích 354,17km2; bao gồm các mỏ: Thuận An 1 (2 huyện Đắk Mil, Đắk Song), Thuận An 2 (2 huyện Đắk Song, Tuy Đức), Đắk Sin - Quảng Thuận (huyện Đắk R’lấp), Đắk R’Lấp (huyện Tuy Đức), Đắk Rung (huyện Đắk Song), Trường Xuân (huyện Đắk Song), Tây Nam mỏ 1-5 (các huyện Đắk Song, Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa), Đông Bắc mỏ 1-5 (2 huyện Đắk Glong, Krông Nô), Trung tâm mỏ 1-5 (huyện Đắk Glong), Bắc Gia Nghĩa (huyện Đắk Song), Đắk Nia (thành phố Gia Nghĩa) và Đắk Môl (2 huyện Đắk Song, Krông Nô).

Mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm. Tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít - alumin - nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia.

Cải tiến hiệu suất, nâng công suất nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (nâng công suất dây chuyền sản xuất alumin đã có từ 0,65 lên 0,8 triệu tấn alumin/năm); mở rộng, nâng công suất nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (đầu tư mới dây chuyền sản xuất alumin thứ hai công suất 1,2 triệu tấn để đưa công suất toàn nhà máy lên 2,0 triệu tấn alumin/năm);

Kêu gọi đầu tư các dự án: Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, nhà máy Alumin Đắk Nông 3, nhà máy Alumin Đắk Nông 4, nhà máy Alumin Đắk Nông 5 gắn với các khu vực, cụm mỏ khai thác theo quy hoạch.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn