Hoà Phát muốn làm thép đường ray, đón đầu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Ngày 11/4, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2024. Tính đến thời điểm 8h30p, AGM của Hòa Phát có 353 cổ đông đến tham dự trên tổng số 165,9 nghìn cổ đông, đại diện cho 3,8 tỷ cổ phiếu (tương đương hơn 65% cổ phần có quyền biểu quyết).
Một trong những thông tin nổi bật tại AGM năm nay là KQKD quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 31.000 tỷ đồng và lãi ròng hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Ông Trần Đình Long cho biết công ty cũng phải trích lập 200 tỷ đồng dự phòng cho tỷ giá do tỷ giá USD/VND neo cao.
Đánh giá về KQKD quý I/2024, ông Long cho biết ngoài yếu tố hỗ trợ tăng sản lượng trong quý I/2024, còn nhờ tồn kho nguyên liệu cấu thành thép (than và quặng sắt) giá cao đã được đẩy đi hết. "Tồn kho nguyên liệu chưa bao giờ thấp như vậy. Điều này sẽ hỗ trợ KQKD các quý sau cao hơn quý trước", ông Long nói tại AGM năm 2024.
Trong năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi ròng 10.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023. Nếu đạt được, đây là con số lãi ròng cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.
Ở tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, tập đoàn cho biết dự kiến trích 340 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và 68 tỷ đồng để trả thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ còn đến 6.392 tỷ đồng. HĐQT đề xuất việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 với tỷ lệ 10%. Tập đoàn theo đó sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận cho năm 2024, Hòa Phát dự định trích tối đa 5% lợi nhuận thực đạt cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích tối đa 5% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để thưởng Ban điều hành; và trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ dự kiến 10%.
Ông Long nói:"Hòa Phát là một trong số ít các công ty có thể cân đối hài hòa vừa thực hiện việc đầu tư, vừa chia cổ tức cho cổ đông. Dự kiến từ năm 2025, Hòa Phát sẽ duy trì trở lại việc chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Hiện tại, chúng tôi ưu tiên tập trung nguồn lực cho việc phát triển".
Kế hoạch phát triển sau dự án Dung Quất 2
Ngoài kế hoạch kinh doanh, chính sách cổ tức, nhóm vấn đề được các cổ đông HPG quan tâm là các thông tin liên quan đến dự án Dung Quất 2. Giải đáp thắc mắc của các cổ đông, ông Long cho biết kế hoạch hoàn thành dự án vẫn đảm bảo theo tiến độ.
Chủ tịch HPG nói: "Cuối năm 2025 sẽ hoàn thành dự án Dung Quất 2.1, tức lò cao sản xuất 2,5 triệu tấn. Đến tháng 9/2026 sẽ hoàn thành Khu liên hợp Dung Quất 2 (nhanh hơn so với tiến độ kế hoạch là 3 tháng). Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC, qua đó nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán hiện nay (khoảng 600 USD/tấn), doanh thu tập đoàn dự kiến tăng thêm 70.000 tỷ đồng. Về nguồn vốn đầu tư, cổ đông có thể yên tâm công ty đã có sự chuẩn bị đầy đủ. Đây là truyền thống của Hòa Phát".
Trong chiến lược dài hạn, Hòa Phát không có kế hoạch mở rộng vào các mảng sản phẩm truyền thống như tôn và ống thép. Cùng với đó, Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết tập đoàn khó có thể mở rộng sản xuất bô – xít dù đã có nghiên cứu sản xuất lĩnh vực này tại Đắk Nông. Tập đoàn cho biết vẫn giữ nguyên kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD vào dự án thép tại Phú Yên - tương đương Dung Quất 2.
Ông Long cũng thừa nhận cạnh tranh trong ngành thép hiện tại khốc liệt hơn những gì ông nghĩ rất nhiều.
Đặc biệt, sau dự án Dung Quất mở rộng, chiến lược mà Hòa Phát hướng đến là nghiên cứu sản xuất tôn silic – sản phẩm cho các điện thế, mô tơ điện dùng cho xe điện, một lĩnh vực đang phát triển trên thế giới. Việt Nam hiện mới có một đơn vị, song mới dừng ở khâu gia công. Trong khi đó, Hòa Phát sẽ thực hiện từ gốc.
Lĩnh vực thứ hai là thép đường ray, loại thép này đang ứng dụng cho tàu chạy cao tốc từ 800-1.000 km/h, đây là sản phẩm rất khó thực hiện. Hòa Phát đang lập công ty nghiên cứu. "Chúng tôi hy vọng nếu Chính phủ quyết tâm làm đường sắt cao tốc Bắc Nam, công ty sẽ tham gia thầu", ông Long nói.
Người đứng đầu Hòa Phát đánh giá đây là những bước đi đón đầu xu hướng dịch chuyển toàn cầu của các nhà sản xuất từ Trung Quốc và các nền kinh tế cao sang những quốc gia Đông Nam Á.
"Chúng ta không thể nghĩ vì thị trường Việt Nam nhỏ mà không sản xuất. Còn về việc bán hàng, tôi cho rằng một khi đã sản xuất ra sản phẩm thì Hòa Phát sẽ cố gắng bán hết", ông Long khẳng định.
Xem thêm tại nhadautu.vn