Hoa Sen (HSG): Áp thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc chỉ làm lợi cho Hòa Phát và Formosa, người tiêu dùng chịu thiệt

Ngày 19/3, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam.

Đến ngày 14/6, Cục Phòng vệ Thương mại thông báo hồ sơ của 2 doanh nghiệp đã đầy đủ và hợp lệ. Chậm nhất ngày 29/7, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có khởi xướng điều tra CBPG với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ hay không.

Mới đây, phía Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) có đưa ra đánh giá về sự việc này.

Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát không đủ tư cách hợp pháp để khởi xướng điều tra CBPG

Theo Hoa Sen, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Lý do bởi nhóm này nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn năm 2019 - 3/2024. Theo quy định: "Trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước".

Hoa Sen (HSG): Áp thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc chỉ làm lợi cho Hòa Phát và Formosa, người tiêu dùng chịu thiệt
Hoa Sen tổng hợp theo dữ liệu Hải quan

Sau khi nộp hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG, nhóm Hòa Phát đã chấm dứt việc nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong tháng 5, 6/2024.

Ngành sản xuất HRC tại Việt Nam tại Việt Nam không bị thiệt hại

Từ tình hình sản xuất kinh doanh của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong giai đoạn từ năm 2019 - 6/2024, Hoa Sen chứng minh ngành sản xuất HRC tại Việt Nam không bị thiệt hại.

Cụ thể, sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng kép lần lượt 13,55% và 12,97%; trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 1% và 4% so với cùng kỳ. Hàng sản xuất tới đâu bán hết tới đó, không tồn kho.

Hoa Sen (HSG): Áp thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc chỉ làm lợi cho Hòa Phát và Formosa, người tiêu dùng chịu thiệt
Hoa Sen cho rằng sản lượng sản xuất và bán ra xấp xỉ nhau nên không có chuyện tồn kho

Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC nội địa trong năm 2022, 2023 lần lượt là 74% và 82%, tỷ lệ tăng trưởng là 11%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hiệu suất sử dụng công suất đạt 84%, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Đồng thời, công nhân không bị cắt giảm.

Hoa Sen cho rằng, Hòa Phát và Formosa đang được hưởng lợi lớn từ khi bán HRC cho các công ty tôn mạ, ống thép nội địa. Giá bán cao hơn so với giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc từ 10 - 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 - 50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn. Tuy nhiên, các công ty vẫn phải chấp nhận mua để xuất khẩu được sang Mỹ và Mexico, bởi 2 thị trường này có một số yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để sản xuất thành phẩm.

Formosa Hà Tĩnh thua lỗ 15.700 tỷ đồng trong năm 2023 do công ty đầu tư tài sản cố định cho cả 4 lò cao nhưng chỉ vận hành 2 lò cao khiến cho suất đầu tư của Formosa Hà Tĩnh gấp hơn 3,4 lần so với Hòa Phát Dung Quất.

Hoa Sen (HSG): Áp thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc chỉ làm lợi cho Hòa Phát và Formosa, người tiêu dùng chịu thiệt
Các công ty tôn mạ, ống thép buộc phải mua HRC từ Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh để có thể xuất khẩu hàng vào Mỹ và Mexico

Vì sao lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh?

Hoa Sen phân tích, nguyên nhân cốt lõi khiến cho lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh nằm ở nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhu cầu HRC của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 11,5 triệu tấn và 11,6 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm. Thực tế, nguồn cung HRC nội địa từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 4,9 triệu tấn và 3,4 triệu tấn, chỉ đáp ứng được lần lượt là 42% và 29% nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp này còn đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu khiến cho nguồn cung HRC nội địa vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu lại càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa.

Ai là người hưởng lợi khi Việt Nam áp thuế CBPG với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ?

Nếu biện pháp áp thuế CBPG được thực hiện, giá HRC nhập từ Trung Quốc sẽ tăng lên khiến sản lượng nhập khẩu sụt giảm. Trong khi HRC nội địa đang không đáp ứng đủ nhu cầu nên sẽ gây ra tình trạng cung ngày càng thiếu hụt. Từ đó, giá HRC nội địa mua từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chắc chắn sẽ tăng thêm bằng mức thuế CBPG so với mặt bằng giá HRC khi không có thuế CBPG.

Phần giá tăng thêm sẽ là lợi nhuận ròng tăng thêm cho Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Đây chính khoản tiền mà người mua tại Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam, các nhà thầu xây dựng, các chủ đầu tư công trình, người tiêu dùng cuối cùng…) phải trả.

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp này chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 5%. Như vậy, 95% lợi nhuận tăng thêm từ việc tăng giá bán HRC là lợi nhuận ròng tăng thêm cho Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh, trong đó Formosa Hà Tĩnh là công ty 100% vốn Đài Loan.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn