Hôm nay, nhiều ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm lên tới 8%/năm

Khảo sát thị trường ngân hàng ngày 18/02, nhiều ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất tiết kiệm từ 8%/năm trở lên.

Cụ thể, tại MSB, với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng, ngân hàng áp dụng lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Trường hợp gửi cùng số tiền trong 12 tháng, lãi suất là 7%/năm.

Tương tự, HDBank (HDB) niêm yết mức lãi suất 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, yêu cầu số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

PVcomBank đang dẫn đầu với lãi suất tiết kiệm lên đến 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, áp dụng cho khoản gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Viki Bank niêm yết mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, yêu cầu số tiền gửi từ 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Wooribank đang thu hút sự quan tâm với mức lãi suất cao nhất lên tới 11%/năm. Tuy nhiên, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất này khi tham gia gói tiết kiệm tích lũy kỳ hạn 1 năm, với số tiền gửi tối đa 2 triệu đồng/tháng.

Với các khoản tiền gửi thông thường, Eximbank (EIB) đang dẫn đầu với lãi suất cao nhất hệ thống, đạt 6,6%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng khi gửi tiết kiệm online. BVBank (BVB) cũng đang áp dụng mức lãi 6,25-6,45%/năm cho kỳ hạn 15-24 tháng.

Báo cáo vĩ mô của Chứng khoán MB (MBS) nhận định lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại từ tháng 11/2024 nhằm đảm bảo thanh khoản cho nhu cầu tín dụng. Theo MBS, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025, với dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động quanh mức 5-5,2% tại các ngân hàng thương mại lớn.

MBS cũng ghi nhận lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 5,1%, cao hơn 0,2 điểm % so với đầu năm, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giữ mức 4,7%.

Yếu tố tác động chính đến xu hướng này là tăng trưởng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 12/2024 đạt 15,08%, vượt mục tiêu 15% đã đề ra.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn